Cách nấu xôi vò đậu xanh nước dừa dẻo tơi thơm ngon đúng chuẩn

Cách nấu xôi vò đạt chuẩn khi xôi không bị nát, có độ khô, tơi, còn nguyên hình hạt gạo, bám đều bởi đậu xanh xay mịn. Xôi vò khi thưởng thức có vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa và vị bùi dẻo từ đậu xanh và gạo nếp.
Xôi vò
Món xôi vò

Khác với xôi xéo là loại xôi mà đậu xanh được tán nhuyễn thành dạng bánh, gạo nếp có độ dẻo và dính vào nhau thì xôi vò lại khô và tơi, đậu xanh được xay thành dạng bột mịn (trước đây chưa có máy xay thì phải vò đậu xanh bằng tay). Xôi vò không những thích hợp trong những ngày lễ Tết mà ngày thường bạn cũng có thể chế biến để thưởng thức. Món ăn này sẽ đặc biệt thơm ngon khi làm xôi chè để kết hợp ăn cùng.

Nhìn chung xôi vò miền Bắc và miền Nam có 1 chút khác biệt về khẩu vị khi mà người miền Bắc thường không có thói quen ăn ngọt hay sử dụng nước cốt dừa để chế biến trong khi đó với người miền Nam thì ngược lại. Cách làm xôi vò kiểu miền Bắc thường chỉ là sự kết hợp của gạo nếp và đậu xanh cùng 1 chút đường (nhưng khá ít) còn cách nấu xôi vò kiểu miền Nam thì sử dụng nhiều đường hơn và có thêm nước cốt dừa để tăng thêm độ béo ngậy.

Cùng 1 công thức cách làm này, bạn có thể thay đổi thành phần nguyên liệu làm xôi vò để chế biến cho phù hợp với văn hóa ẩm thực của từng vùng miền.

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500g
  • Đậu xanh cà vỏ: 300g
  • Nước cốt dừa: 150g
  • Đường: 100g
  • Lá dứa: 1 bó nhỏ
  • Muối

Sơ chế nguyên liệu

Gạo nếp và đậu xanh ngâm nước trước 4 tiếng hoặc ngâm qua đêm. Nếu vội thì ngâm nước ấm 1 tiếng rồi đãi sạch để thật ráo nước.

Lá dứa rửa sạch, buộc lại. Dùng lá dứa với mục đích tăng thêm hương vị cho món ăn, nếu không có lá dứa bạn có thể bỏ qua nguyên liệu này.

Nước cốt dừa bạn có thể tự làm từ cùi dừa tươi theo hướng dẫn này hoặc dùng 1 lon nước cốt dừa đóng chai bán sẵn ngoài siêu thị cũng được.

Nếu là nước cốt dừa tự làm thì bạn chỉ nên lấy phần nước cốt lần đầu cho đậm đặc còn nếu là nước cốt dừa bán sẵn (có nhiều loại) ở dạng loãng thì đổ nước cốt dừa ra bát, để phần nước trong lắng xuống dưới, dùng muôi hớt lấy phần váng đậm đặc bên trên rồi để riêng.

Đồ đậu xanh

Đổ nước sôi vào nồi, xếp chõ đồ lên trên. Tiếp đó dàn đều đậu xanh trên mặt chõ. Dùng ngón tay tạo ra 1 số lỗ thông hơi để hơi nước dễ dàng bốc lên để đậu xanh chín đều, không bị nhão.

đồ đậu xanh
Đồ đậu xanh

Để lửa vừa và đồ đậu xanh khoảng 20 phút là đậu xanh chín. Tốt nhất bạn nên dùng tay bóp thử xem hạt đậu xanh đã chín hẳn hay chưa. Khi đậu xanh chín bạn dàn đậu xanh trên 1 chiếc mâm cho đậu xanh nhanh nguội, hơi nước dễ dàng bốc lên sẽ giúp đậu xanh được khô.

Lúc này bạn chia đậu xanh thành nhiều mẻ nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố, bật nấc nhẹ và xay cho đậu xanh nhuyễn mịn. Đậu xanh lúc này phải ở dạng bột mịn và tơi, không được nhão.

xay đậu xanh
Xay nhuyễn đậu xanh

giã đậu xanh
Hoặc giã đậu xanh bằng cối

Đồ xôi

Sau khi đã xay nhuyễn đậu xanh, bạn chia phần đậu xanh làm 2 phần với tỷ lệ tùy ý. Một phần để trộn với gạo nếp rồi mang đi đồ xôi, một phần để riêng, khi ăn có thể rắc thêm đậu xanh lên trên hoặc nếu không, bạn trộn tất cả với gạo nếp cũng được.

Tiến hành trộn gạo nếp với đậu xanh cùng 1 chút xíu muối để xôi đậm vị thêm 1 chút, không bị quá nhạt khi ăn.

trộn gạo nếp với đậu xanh
Trộn đều gạo nếp với đậu xanh

Bạn cho bó lá dứa vào nồi, đổ nước sôi và bắc lên bếp. Xếp chõ lên trên và cũng dàn gạo nếp giống như đồ đậu xanh. Xôi đồ khoảng 30-40 phút là chín. Khi xôi chín bạn mở nắp, dùng muôi gỗ xới đều cho xôi tơi lên. Lúc này bạn rưới phần nước cốt dừa vào và xới đều nhẹ tay cho xôi ngấm đều nước cốt dừa. Lưu ý rằng cần để ý lượng nước cốt dừa thêm vào không được quá nhiều sẽ khiến xôi bị nhão.

rưới nước cốt dừa
Dưới nước cốt dừa và đồ thêm 5 phút nữa rồi xới xôi ra mâm.

Khi vừa xới xôi ra mâm và còn nóng, bạn rắc lượng đường đã chuẩn bị vào xôi rồi đeo bao tay trộn đều cho đường tan.

trộn xôi với đường
Trộn xôi với đường

Xôi nguội dần và hơi nước cũng bốc hơi giúp xôi được khô và tơi mịn, các hạt gạo còn nguyên và không bị dính vào nhau. Cho xôi ra đĩa là hoàn thành cách nấu xôi vò ngon đúng chuẩn.

Yêu cầu thành phẩm

  • Lượng muối vừa đủ giúp xôi không có cảm giác nhạt nhẽo khi ăn.
  • Xôi vò đặc biệt cần không bị nát, các hạt gạo còn nguyên và tơi không dính vào nhau.
  • Đậu xanh tơi, mịn bám đều các hạt gạo.
  • Khi ăn xôi vò cảm nhận đủ vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt vừa cùng vị bùi của đậu xanh cũng như độ mềm dẻo của nếp.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Tùy vào loại nước cốt dừa bạn dùng là loại nào. Nếu là loại nước cốt dừa đặc bạn có thể trộn đều nước cốt dừa với gạo nếp rồi mới đem đi đồ.
  • Gạo nếp có nhiều loại khác nhau nên thời gian ngâm, thời gian đồ xôi cũng khác nhau. Tốt nhất nên chọn gạo nếp cái hoa vàng để làm xôi vò là ngon nhất.

    gạo nếp cái hoa vàng
    Gạo nếp cái hoa vàng

  • Để làm xôi vò có màu vàng đậm hơn thì bạn đun nóng chút dầu ăn trên chảo, thái vài lát nghệ cho vào đun 1 lát để nghệ ra màu. Trộn dầu ăn này với gạo nếp rồi đem đi đồ, xôi sẽ lên màu vàng đậm hơn.

    làm màu nghệ
    Ảnh: Vành Khuyên Lê channel

  • Xôi vò có thể ăn với giò, gà luộc... thêm chút hành phi thì càng dậy mùi thơm hấp dẫn. Ngoài ra, xôi vò cũng được nấu trong cách làm xôi chè để cúng thôi nôi hoặc ngày rằm.
  • Một số công thức khác có hướng dẫn cách làm xôi vò bằng nồi cơm điện. Thực ra khi làm bằng nồi cơm điện, bạn vẫn phải sử dụng chiếc xửng hấp bằng nhựa của nồi cơm điện để hấp đậu xanh và gạo nếp. Nếu nấu đậu xanh và gạo nếp như nấu cơm thì thành phẩm món ăn rất xấu. Tốt nhất bạn nên mua sẵn 1 chiếc xửng hấp để sử dụng mỗi khi nấu các món xôi.

    xửng hấp nồi cơm điện
    Dùng xửng hấp nồi cơm điện để hấp xôi vò

  • Có thể dùng thêm hạt sen để nấu xôi vò hạt sen nếu muốn. Hạt sen cần tách bỏ tâm sen để không bị đắng. Với hạt sen khô, bạn cần ngâm hạt sen trước 2,3 tiếng rồi cho hạt sen vào đồ cùng gạo nếp như bình thường.

    món xôi vò hạt sen
    Món xôi vò hạt sen

Long Nguyễn -

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (3)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn