Công thức cách nấu canh bóng thả ngày Tết chuẩn vị Hà Nội xưa
Mục lục
Món canh bóng thả
Nguyên liệu
- Bóng (làm từ bì lợn): 100g
- Xương lợn (ninh để lấy nước, hoặc dùng nước luộc gà càng ngon) : 200g
- Trứng chim cút: 10 quả
- Su hào, cà rốt, súp lơ, đậu hà lan: 50g mỗi loại
- Nấm hương: 10 cái
- Giò sống: 1 bát
- Gừng: 1 củ
- Rượu trắng
- Bột canh, hạt tiêu: vừa ăn
- Hành lá, rau mùi ta
Sơ chế bóng
Ngâm bóng bì trong nước lã trong vòng 1 tiếng. Sau đó bóp lại bóng bì với rượu trắng và gừng đập dập để tẩy hết mùi hôi, giúp bóng bì thơm và có màu trắng đẹp. Xả lại với nước sạch, vắt khô bóng. Sau đó cắt bóng thành các miếng hình thoi hoặc hình bình hành.
Cắt bóng bì thành miếng hình thoi hoặc hình bình hành
Sơ chế rau củ
Súp lơ (xanh hoặc trắng) chẻ dọc thân rồi chia thành từng miếng nhỏ, đem rửa sạch.
Cà rốt, su hào gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn, tỉa hình hoa cho đẹp.
Đậu Hà Lan tước vỏ, rửa sạch
Sơ chế các nguyên liệu khác
Trứng chim cút luộc, bóc vỏ rồi đem chiên sơ ngập dầu, vớt ra để ráo.
Nấm hương rửa sạch, nếu là nấm hương khô thì ngâm nước ấm cho nở to. Sau đó lấy giò sống nhồi vào trong nấm.
Đun nước dùng
Dùng nước luộc gà rồi bỏ thêm tôm khô vào hầm cùng để cho ra nước dùng rất ngon ngọt. Nếu không có nước luộc gà, bạn luộc qua xương lợn cho, rửa lại với nước sạch cho hết bọt bẩn, sau đó ninh xương cùng tôm khô cũng rất ngon.
Nấu canh bóng thả
Lần lượt thả từng loại rau củ và bóng bì vào nồi nướng dùng, khi chín tới thì vớt ra mỗi loại để riêng.
Thả các viên mọc vào nồi nước dùng đang sôi, đun khoảng 2-5 phút cho đến khi các viên mọc nổi lên trên mặt nước, tức là mọc đã chín thì cũng vớt ra bát riêng.
Nêm nếm gia vị vào nồi nước dùng cho vừa miệng.
Chuẩn bị một bát tô lớn, xếp bóng bì, rau củ, giò sống bọc nấm hương, trứng cút chiên, tôm khô, hành lá rau mùi ta thái nhỏ, rắc hạt tiêu cho hài hòa cân đối trong bát. Sau đó chan nước dùng còn nóng sùng sục trên bếp vào ngập bát. Món này ăn nóng là ngon nhất.
Món canh bóng thả
Yêu cầu thành phẩm
Nước canh trong, có vị ngọt thanh tao từ xương, thịt và tôm khô, thơm mùi nấm hương và gừng, hạt tiêu. Các loại rau phải vừa chín tới, giữ được màu sắc tươi đậm, ăn giòn ngọt mà không bị sượng. Bóng bì ngọt đậm đà nhờ thấm nước dùng. Mọc (giò sóng bọc nấm hương) giòn, không bã, bở.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Phần nhân của món canh này có thể thay đổi rất linh hoạt. Chẳng hạn như rau củ có thể dùng ngô bao tử, hạt sen,…. Tôm khô thay bằng tôm tươi, mọc thay bằng xương sườn,…