3 Cách làm món nộm rau muống dân dã mà ngon đậm vị quê hương

Dưới đây là 3 cách làm món nộm rau muống ngon chuẩn vị: nộm rau muống đậu phộng, nộm rau muống thịt bò và nộm rau muống tép. Cách làm đơn giản nhưng ngon hấp dẫn mời bạn cùng khám phá.
Nộm rau muống
Món nộm rau muống

Nộm rau muống là một món ăn quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn gia đình Việt. Làm món nộm rau muống có ưu điểm là nguyên liệu dễ kiếm, bước làm đơn giản và chế biến khá nhanh chóng. Những thông tin bên dưới, không chỉ hướng dẫn bạn cách làm món nộm rau muống chi tiết từ A – Z mà còn chỉ cho bạn một vài mẹo nhỏ giúp rau muống giữ được độ xanh và giòn cho món ăn thêm phần ngon miệng.

Nguyên liệu

  • Rau muống non: 1 bó
  • Đậu phộng (lạc): 50g
  • Ớt sừng: 1 quả
  • Tỏi: 5 tép
  • Chanh: 1 quả
  • Gia vị: nước mắm, đường

Sơ chế rau muống

Rau muống sau khi mua về, bạn đem nhặt lấy ngọn non, bỏ cuống cứng già để khi ăn được giòn ngon nhất. Nếu ngọn rau muống quá dài, bạn có thể ngắt ra thành 2 – 3 phần để khi ăn được dễ dàng hơn.

Luộc rau muống

Bạn chuẩn bị một nồi nước lớn đun sôi, càng lớn càng tốt, tránh nhồi nhét rau khi luộc sẽ bị nát. Sau đó, bạn cho 1 muỗng cà phê muối vào (giúp rau không bị thâm đen) và cho rau muống vào chần trong khoảng 30 giây đến 1 phút rồi bỏ ngay vào âu nước đá.

Ngâm rau muống trong âu nước đá khoảng chừng 10 – 15 phút, bạn vớt ra rổ để ráo nước rồi chuẩn bị làm nộm. Rau muống càng để ráo nước càng tốt, khi làm nộm sẽ không bị ỉu. Bạn có thể dùng đũa xốc nhẹ rau nhiều lần để nước rơi ra, làm ráo hiệu quả.

Rang đậu phộng

Bạn cho một chảo hoặc nồi lớn lên bếp làm nóng. Sau đó, cho muối hạt vào rang khô và đổ 50 gram đậu phộng vào đảo đều tay. Muối hạt cho vào trông khâu này mục đích là hạn chế đậu phộng tiếp xúc quá nhiều với đáy chảo hoặc nồi, nhanh bị cháy xém.

Khi lớp vỏ bên ngoài của đậu phộng chuyển màu nâu sạm, bóc ăn thử một hạt đã giòn chín thì bạn tắt bếp, đợi nguội rồi tiến hành xa sạch lớp vỏ và đem giã nhỏ. Tùy theo sở thích của bạn và gia đình mà có thể giã đậu phộng đến khi đạt được độ nhỏ như ý thì dừng.

Pha nước trộn và làm nộm rau muống

Tỏi bạn bóc sạch lớp vỏ khô bên ngoài rồi mang đập dập và băm nhuyễn. Ớt thì bạn rửa sạch, xẻ dọc trái và loại bỏ hạt (vừa cay vừa không tốt cho đường ruột) rồi cũng đem băm nhuyễn. Chanh rửa sạch, bổ làm đôi, chắt lấy nước cốt, bỏ hạt.

Bạn cho 3 muỗng canh nước, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, nước cốt của 1 quả chanh vào chung một bát và khuấy đều cho đường tan hết. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ý, đến khi hỗn hợp có đủ độ chua mặn ngọt thì dừng. Lúc này, bạn cho thêm phần tỏi và ớt đã được băm nhuyễn vào trộn đều.

Bạn cho rau muống vào một âu lớn rồi tiến hành rưới đều hỗn hợp nước mắm ở bước 7 lên trên và trộn thật đều. Cuối cùng, bạn cho đậu phộng rang vào cùng rồi trộn đều thêm 1 lần nữa là đã có thẻ dọn món ăn ra cho mọi người thưởng thức. Lưu ý, nếu chưa ăn ngay thì bạn khoan cho đậu phộng vào, đợi khi nào ăn mới cho vào trộn đều để tránh tình trạng đậu phộng ngấm nước bị ỉu, ăn mất ngon.

món nộm rau muống đậu phộng
Dĩa rau muống nộm đơn giản nhưng hấp dẫn

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

Cách chọn rau muống ngon

Đừng ham lấy những mớ thân to, mập mạp, lá có màu xanh đen, tươi mơn mở, bẻ thấy cọng rất giòn. Bởi đây là những đặc điểm của loại rau muống trồng được bón quá nhiều chất đạm hoặc phân bón. Khi ăn phải loại này, không những không ngon mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Rau muống ngon là loại có thân không quá to, chỉ bằng đầu đũa cơm trở xuống, ngọn nhỏ, khá cứng, khi ngắt cuống rau có vết nhựa loãng. Ngoài ra, mua rau củ quả theo mùa cũng sẽ hạn chế tối đa việc chọn phải những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Mùa rau muống thông thường sẽ từ tháng 4 đến tháng 6. Vì thế, bạn nên mua rau muống và chế biến các món ăn từ nguyên liệu này vào thời điểm đó là hợp lý nhất.

rau muống tươi ngon
Rau muống ngon khi có thân vừa phải, không to quá

Cách rửa rau muống đúng cách

Hãy ngâm từng ngọn rau muống đã ngắt vào nước muối loãng từ 10 - 15 phút. Vì nồng độ muối của dung dịch nước muối cao hơn trong các tế bào của vi khuẩn nên do hiện tượng thẩm thấu, nước muối sẽ đi vào tế bào, làm cho nồng độ muối trong vi khuẩn tăng cao. Lúc này quá trình chuyển nước ngược lại từ tế bào vi khuẩn ra ngoài làm cho chúng bị mất nước và chết. Do đó, trong quá trình ngâm rau muống trong nước muối loãng sẽ giúp loại bỏ hiệu quả vi khuẩn.

Rửa dưới vòi nước chảy từ trên cao xuống. Với tác động lực của nước, thao tác này cũng hỗ trợ việc làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn hiệu quả. Với rau muống, bạn nên lưu ý rửa cả bên trong ống rau, do đây là nơi trú ngụ tập trung của các loại vi khuẩn và con sinh vật nhỏ sinh sống dưới nước.

rửa sạch rau muống
Rửa rau muống dưới vòi nước chảy để làm sạch hiệu quả

Cách để rau muống giòn khi làm nộm

Món nộm rau muống nói riêng và các loại nộm khác nói chung, điều hấp dẫn nhất chính là độ giòn của nguyên liệu, càng giòn càng được yêu thích. Do đó, để món nộm ra muống được giòn, bạn lưu ý một số điều sau:

- Chỉ nên luộc rau vừa chín tới. Khi nước sôi, bạn cho rau vào chần trong khoảng 30 giây đến 1 phút rồi vớt ra. Nếu để lâu hơn, rau sẽ bị nhũn nát.

- Sau khi chần rau đủ thời gian, bạn gắp rau ra khỏi nồi và cho ngay vào âu nước đá lạnh. Từ môi trường nóng bị chuyển sang môi trường lạnh đột ngột, rau sẽ trở nên giòn ngon hơn rất nhiều. Điều đặc biệt, thao tác này còn giúp rau giữ được màu xanh tự nhiên, đẹp mắt.

ngâm rau muống trong nước lạnh
Ngâm rau muống trong nước lạnh để tăng độ giòn ngon và giữ màu xanh bắt mắt

Thông tin thêm

Nộm rau muống thịt bò

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Rau muống: 1 bó
  • Thịt bò : 100 gram
  • Đậu phộng (lạc): 50 gram
  • Ớt sừng: 1 quả
  • Tỏi: 5 tép
  • Chanh: 1 quả
  • Gia vị: nước mắm, đường

Bước 1:

Tất cả các nguyên liệu bao gồm rau muống, đậu phộng, ớt, tỏi, chanh và phần chuẩn bị hỗn hợp nước mắm bạn tiến hành tương tự như cách làm trong món nộm rau muống được hướng dẫn ở trên. Còn phần thịt bò sau khi chế biến xong, bạn sẽ cho vào chung với rau muống và trộn gỏi.

Bước 2:

Thịt bò khi dùng để làm nộm, bạn nên chọn những phần nhiều thịt, ít gân như phần nạc vai, nạc mông hoặc bắp bò để khi ăn không bị dai. Nếu gia đình bạn có người không thích mùi đặc trưng của miếng thịt bò thì trước khi chế biến, bạn nên sơ chế bằng cách: dùng miếng gừng đem nướng, cạo sạch vỏ cháy, giã nhuyễn rồi xát đều lên thịt. Mùi gừng sẽ khử sạch hiệu quả mùi đặc trưng của thịt bò.

Bước 3:

Sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn tiến hành thái thịt bò theo từng thớ mỏng để thịt không bị vụn và khi ăn không bị dai. Bạn quan sát miếng thịt bò, thấy có những đường thẳng chạy dọc song song nhau thì dùng dao cắt vuông góc với những đường đó, đó là cách thái thịt theo thớ.

thái thịt bò
Thái mỏng thịt bò thành thớ

Bước 4:

Bạn chuẩn bị một nồi nước nóng. Sau đó, cho thịt bò đã được thái nhỏ vào nồi luộc chín rồi vớt ra để ráo nước. Tùy theo sở thích của bạn và gia đình mà bạn có thể luộc chín kỹ miếng thịt bò hoặc trụng tái sơ qua đều được.

Bước 5:

Cuối cùng, bạn cho rau muống và thịt bò vào chung một âu lớn rồi rưới hỗn hợp nước mắm lên trên và trộn đều là đã hoàn thành món ăn. Khi dọn ra dĩa mời mọi người thưởng thức, bạn nhớ rắc thêm đậu phộng rang lên trên để làm tăng độ béo cho món ăn.

nộm rau muống thịt bò
Dĩa nộm rau muống thịt bò bắt mắt

Nộm rau muống tép đồng

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Rau muống: 1 bó
  • Tép: 200 gram
  • Đậu phộng (lạc): 50 gram
  • Ớt sừng: 1 quả
  • Tỏi: 5 tép
  • Chanh: 1 quả
  • Gia vị: nước mắm, đường…
  • Rau thơm các loại: Rau húng tép, mùi, kinh giới…

Bước 1:

Tương tự như món nộm rau muống thịt bò, bước sơ chế nguyên liệu bao gồm rau muống, đậu phộng, tỏi, ớt và pha chế nước mắm, bạn cũng thực hiện giống như cách làm đã được hướng dẫn ở công thức nộm rau muống đơn giản. Còn phần các loại rau thơm, bạn ngắt lấy ngọn và những lá tươi, còn nguyên vẹn rồi rửa sạch, để ráo và thái rối.  

Bước 2:

Tép là động vậy có hình dáng như con tôm nhưng với kích thước nhỏ hơn. Trong món nộm này, bạn mua được mớ tép càng tươi thì món ăn sẽ càng ngon. Mẹo nhỏ đi chợ là bạn hãy chọn những mớ tép còn sống, mình đỏ hồng tự nhiên thì sẽ rất ngon. Tép sau khi mua về, bạn dùng kéo cắt bỏ đầu rồi rửa sạch với nhiều lần nước và cho ra rá để ráo nước. Nếu tép nhỏ bạn có thể không cần cắt đầu cũng được.

Bước 3:

Tép sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn cho 2 muỗng canh nước mắm vào ướp trong khoảng 5 – 10 phút cho thấm đều gia vị. Sau đó, cho lên bếp rang với 1 muỗng canh dầu ăn. Đảo đều cho đến khi màu sắc con tép chuyển hồng nhạt, thử đã chín thì bạn tắt bếp.

rang tép
Rang chín tép

Bước 4:

Bạn cho rau muống đã vắt khô vào một âu lớn, thêm tép rang chín và ½ rau thơm rồi từ từ cho phầm nước mắm vào trộn đều. Khi đã nêm nếm vừa ăn, bạn cho món ăn ra dĩa và tiến hành rắc nốt phần rau thơm còn lại và phần đậu phộng rang giã nhuyễn lên trên rồi mời mọi người thưởng thức.

nộm rau muống tép đồng
Món rau muống nộm tép

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn