Cách làm lẩu vịt om sấu nước dừa thơm lừng ngon chuẩn vị
Mục lục
Món lẩu vịt om sấu
Cách làm lẩu vịt om sấu nước dừa với cách làm đơn giản nhưng đạt được hương vị vừa thơm vừa béo, ăn chuẩn vị ngậy và bùi. Cùng xem công thức cách làm món ăn này như thế nào để áp dụng và chế biến ngay tại nhà nhé.
Món lẩu vịt om sấu có nguyên liệu đặc trưng là trái sấu tươi. Sấu là loại trái chỉ có ở Hà Nội và thu hoạch mỗi năm vào mùa hè. Chính vì vậy, món ăn này ít phổ biến ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, chỉ thường xuất hiện trong một số quán ăn, nhà hàng vì không phải ai cũng biết cách làm và vì không có sấu.
Nguyên liệu
- Vịt: 1 con nặng khoảng 1,5 – 2kg
- Sấu xanh: 6 trái
- Khoai sọ: 500g
- Nước dừa tươi: 1 – 2 trái
- Hành khô: 2 củ
- Tỏi khô: 1 củ
- Sả cây: 4 cây
- Rau ngổ: 1/2 bó nhỏ
- Rau mùi tàu: 1 bó nhỏ
- Ớt tươi: 2 trái
- Gừng tươi: 1 nhánh
- Nước mắm, muối, hạt tiêu…
Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế vịt:
Vịt sau khi đã sơ chế và vặt sạch lông, bạn rửa sạch với nước rồi tiến hành khử mùi hôi cho thịt vịt. Lưu ý, phao câu là một trong những nguyên nhân khiến vịt có mùi hôi, tốt nhất là nên cắt bỏ. Bạn dùng muối và giấm xát lên khắp thân vịt (cả trong và ngoài) rồi rửa sạch với nước. Tiếp đó, đập dập nhánh gừng đem pha với rượu trắng rồi chà xát lại vịt lần nữa để khử hoàn toàn mùi hôi, cuối cùng rửa lại với nước rồi để ráo.
Vịt phải được khử mùi hôi trước khi chế biến
Chặt vịt thành những miếng nhỏ vừa ăn, miếng thịt thon dài, không nên chặt to như thịt gà vì khi nấu vịt không ngấm đều các gia vị.
Lưu ý khi sơ chế vịt: Ngoài cách sử dụng muối, rượu, gừng, giấm, bạn có thể dùng nước cốt chanh để khử sạch mùi hôi cho vịt. Trong khi nấu, bạn có thể nướng sơ vài củ hành khô rồi cho vào nấu cùng vịt, hành khô sẽ giúp thịt vịt thơm hơn.
Sơ chế các nguyên liệu khác:
Hành khô bóc sạch vỏ, đập dập rồi băm nhỏ.
Tỏi khô bóc vỏ, băm nhỏ.
Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
Sả cắt bỏ phần lá già, rửa sạch, 1 phần cắt khúc đập dập, 1 phần đem băm nhuyễn.
Khoai sọ đem gọt vỏ ngoài, cắt khoai làm 2 hoặc 4 tùy kích cỡ. Bạn đem khoai ngâm trong nước muối loãng khoảng 20 phút để khoai giảm độ nhớt rồi mới nấu, làm như vậy sẽ tránh bị ngứa khi ăn.
Sấu tươi cạo sạch vỏ, ngâm với nước lạnh rồi vớt ra để ráo.
Rau ngổ, rau mùi tàu nhặt gốc, rửa sạch, đem thái nhỏ.
Ớt tươi rửa sạch, bỏ hạt, thái nhỏ hoặc cắt khoanh.
Ướp vịt với các gia vị
Thịt vịt sau khi đã chặt nhỏ. Bạn cho vào tô ướp với gia vị bao gồm: ½ muỗng muối, ½ muỗng hạt tiêu, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng sả băm, 1 muỗng gừng băm, 1 muỗng tỏi băm, 1 muỗng hành băm. Trộn đều thịt vịt với các gia vị rồi ướp trong vòng 20 – 30 phút. Lưu ý, lượng gia vị ướp bạn có thể thay đổi sao cho phù hợp.
Ướp thịt vịt với gia vị trong khoảng 20 – 30 phút
Quay sơ cho vịt ra bớt mỡ
Để món ăn không quá béo, ngậy và dễ gây ngán, bạn nên đem quay sơ vịt trước khi nấu.
Bắc một cái chảo lên bếp, bạn chỉ cần cho một chút dầu ăn, khi dầu nóng thì cho thịt vịt vào quay trong chảo dầu để vịt ra bớt mỡ và có màu đẹp mắt, sau đó vớt ra, để ráo dầu.
Nấu lẩu vịt om sấu nước dừa
Bắc nồi lên bếp với chút dầu ăn, bạn cho hành băm + tỏi băm + gừng băm + sả băm vào phi thơm rồi trút thịt vịt vào xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp đó, bạn cho khoai sọ đã sơ chế vào xào chung, thêm sấu tươi vào xào. Xào với lửa nhỏ liu riu cho đến khi thịt vịt chín, thấm gia vị đậm đà, khoai sọ và sấu mềm.
Tiếp theo, đổ phần nước dừa đã chuẩn bị vào nồi thịt vịt và nấu với lửa vừa. Khi nước sôi, vớt sấu ra ngoài, dùng muỗng dằm nhuyễn rồi đổ lại vào nồi. Bước này nhằm mục đích tạo vị chua cho nước dùng, nếu muốn ăn chua nhiều thì bạn dằm nhiều sấu, ăn chua ít thì bớt sấu lại. Sau đó, bạn nêm nếm xem nước dùng đã có vị chua vừa ăn chưa, nêm nếm lại gia vị và om trong khoảng 20 phút với lửa nhỏ.
Sau 20 phút bạn tắt bếp, rắc rau ngổ và mùi tàu vào nồi. Ở bước này, nếu thích ăn cay bạn có thể cho thêm ớt vào nhé!
Om khoảng 20 phút cho vịt chín mềm, thấm nước dừa
Trình bày và thưởng thức
Múc thịt vịt và nước om vào nồi lẩu, chuẩn bị thêm bún tươi và rau xanh ăn kèm. Lẩu vịt om sấu ngon nhất khi kết hợp với rau muống và rau nhút (hay còn gọi là rau rút). Khi ăn, bật bếp nấu sôi hỗn hợp thịt vịt, cho rau vào nhúng rồi thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm
Nồi lẩu vịt om sấu nước dừa nghi nghút khói, bốc hương thơm lừng, thịt vịt chín mềm nhưng vẫn giữ được độ dai ngon đặc trưng. Nước lẩu đậm đà, có vị nồng của gừng, tỏi, sả, hòa quyện với vị chua thanh mát của trái sấu tươi và vị ngọt tự nhiên, béo ngậy của nước dừa.
Chưa hết, những miếng khoai sọ dẻo quánh với vị bùi bùi hấp dẫn, kết hợp cùng rau muống, rau nhút tươi giòn, thật khó để diễn tả hương vị thơm ngon đặc biệt của món ăn này.
Lẩu vịt om sấu không chỉ ngon mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất bởi thành phần nguyên liệu đa dạng, đem đến cho bạn một bữa ăn ngon tuyệt, thích hợp với cả thời tiết mùa đông và mùa hè (thịt vịt có tính hàn, sấu và nước dừa có tác dụng giải nhiệt hiệu quả, thích hợp dùng trong cả mùa hè).
Thành phẩm lẩu vịt om sấu nước dừa thật hấp dẫn?
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Dùng nước dừa xiêm nấu lẩu vịt để giúp món ăn có hương vị béo ngậy, hấp dẫn. Trong khi nấu, nếu thiếu nước dừa, bạn có thể cho thêm nước dừa thường, nước hầm xương hoặc nước lạnh vào, không nên để nước lẩu quá đặc.
- Có thể luộc riêng sấu, dầm nát rồi mới cho vào nồi vịt để rút ngắn thời gian.
- Lẩu vịt om sấu nước dừa ăn cùng với rau nhúng và bún tươi, các loại rau thích hợp để ăn kèm lẩu vịt là rau muống và rau nhút.
- Mẹo chọn trái sấu tươi:
Sấu ngon là trái có lớp vỏ hơi sần, chọn trái sấu xanh có cùi dày để được nhiều thịt chua. Không nên chọn những trái có lớp vỏ ngoài láng bóng vì chúng là sấu non, để lâu dễ bị ủng; sấu quá già lại có nhiều hạt to và ít chua. Chỉ nên chọn những trái lành lặn, vỏ ngoài không bị thâm, dập hay biến dạng.
Đến mùa sấu tươi, bạn có thể mua thật nhiều sấu rồi sơ chế và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, làm như vậy bạn sẽ có sấu tươi để nấu canh, nấu lẩu suốt cả năm.
- Mẹo chọn khoai sọ ngon:
Chọn những củ khoai có dáng tròn đều hoặc như quả trứng gà, lớp vỏ sần sùi, nhiều râu, những củ mới thường có nhiều đất bám ở vỏ. Khoai có kích thước nhỏ thường sẽ ngọt, dẻo hơn so với những củ kích thước lớn. Không nên mua khoai sọ có nhiều vết thâm đen, thối rửa hoặc đang có dấu hiệu hư hỏng.
- Mẹo sử dụng nước dừa:
Bạn có thể sử dụng nước dừa thường hoặc nước dừa xiêm để nấu lẩu nhưng nước dừa xiêm là ngon nhất vì có tác dụng làm cho món lẩu ngậy và thơm ngon hơn. Khi nấu, nếu không có đủ nước dừa, bạn có thể thêm nước dùng xương hoặc nước lạnh cũng được.