Hướng dẫn cách làm đậu phộng da cá từ bột mì ngon tại nhà
Mục lục
Món đậu phộng da cá
Đậu phộng hay còn được gọi là lạc (theo cách gọi của người miền Bắc), một thực phẩm quen thuộc với tất cả mọi người. Trong cuộc sống hàng ngày, đậu phộng không chỉ được sử dụng để làm kẹo bánh mà còn có thể chế biến món ăn, từ món ăn chơi, ăn vặt cho đến các món ăn hàng ngày.
Trong số các món ăn vặt được làm từ đậu phộng, chắc hẳn ai cũng từng được thưởng thức đậu phộng da cá rồi phải không? Những hạt đậu to tròn, mập mạp được áo lớp bột dày bên ngoài, đem chiên lên sẽ có vị giòn tan, bùi ngậy rất hấp dẫn, càng ăn càng mê.
Đậu phộng da cá bán khá phổ biến nhưng tự làm tại nhà cũng rất thú vị
Không chỉ là món ăn yêu thích của trẻ em mà người lớn cũng rất thích, đặc biệt có thể làm “mồi nhậu” cho các đấng mày râu. Trên thực tế, ở hầu hết các quán ăn, quán nhậu, đậu phộng da cá được chuẩn bị sẵn dưới dạng gói nhỏ để khách hàng có thể nhâm nhi khi chờ món. Còn bình thường, bạn có thể mua tại hầu hết siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ ở bất kì đâu.
Nguyên liệu
- Đậu phộng (lạc) khô: 150g
- Bột mì: 50g
- Muối: 1 muỗng
- Đường cát trắng: 35g
- Dầu ăn: 1 chai nhỏ
Sơ chế đậu phộng
Đầu tiên, bạn kiểm tra đậu phộng xem có hạt nào bị lép hoặc hỏng, mốc hay không, sau đó đem rửa sạch với nước. Cho đậu vào tô cùng với một chút muối, đổ nước ngập đậu rồi ngâm khoảng 30 phút để đậu mềm. Nếu có hạt nào nổi lên thì đó là hạt hư hỏng, bạn vớt bỏ ra ngoài.
Ngâm đậu phộng ngập trong nước khoảng 30 phút cho mềm
Sau 30 phút ngâm, bạn vớt đậu ra để ráo nước.
Ướp đậu phộng với các loại gia vị
Đối với cách làm đậu phộng da cá này, đậu phộng phải được ướp gia vị trước thì khi chế biến mới thơm ngon, đậm đà.
Bạn cho đậu vào một cái tô lớn, thêm chút muối và 35g đường đã chuẩn bị vào trộn đều để đường tan ra, lúc này đậu còn ướt nên đường sẽ nhanh tan. Bạn ướp trong khoảng 1 tiếng, nếu có thời gian thì nên ướp trong khoảng 2 – 3 tiếng để đậu thấm gia vị.
Ướp đậu phộng với đường và muối cho vị đậm đà
Áo lớp bột bên ngoài đậu phộng
Sau khi ướp với muối và đường, bạn vớt đậu phộng sang một cái tô khác, bỏ phần nước ướp đậu.
Rây ½ lượng bột mì đã chuẩn bị vào tô đậu phộng rồi xóc đều để đậu được áo một lớp bột mỏng, tiếp đó rây nốt ½ lượng bột còn lại và xóc đều lần 2 để bột bám dày hơn. Cách tốt nhất để bột phủ đều là bạn cho đậu vào một cái hộp có nắp đậy rồi xóc. Cuối cùng, bạn cho đậu phộng vào rây, lắc nhẹ để phần bột thừa rơi ra ngoài.
Cho bột mì vào đậu phộng để áo lớp vỏ ngoài
Lưu ý: Ngoài cách áo bột trực tiếp này, nhiều người còn trộn bột với trứng, sữa và gia vị cho ướt, lấy một chút bột vo tròn, ấn dẹt rồi đặt từng hạt đậu phộng rang chín vào vo lại. Viên đậu phộng lúc này có kích thước tròn và to, khi chiên xong lớp vỏ rất dày. Tuy nhiên, cách làm này tốn rất nhiều thời gian thực hiện.
Chiên đậu phộng
Bạn nên dùng chảo nhỏ hoặc chảo lòng sâu chiên đậu để tiết kiệm dầu.
Đặt chảo lên bếp, làm nóng chảo rồi đổ dầu ăn vào đun sôi (lượng dầu vừa đủ để chiên ngập đậu phộng). Khi dầu nóng già, bạn cho đậu phộng vào chiên 1 – 2 phút với lửa vừa rồi mới đảo nhẹ để đậu chín đều.
Bạn lưu ý phải chiên đậu ngập dầu thì mới ngon
Tiếp tục chiên cho đến khi phần vỏ đậu chuyển sang màu vàng nâu thì vớt ra để ráo dầu (dùng rây vớt ra, để nguyên cho dầu thừa rớt xuống hết rồi mới cho lên đĩa (hoặc khay) có lót sẵn giấy thấm dầu. Đợi đậu phộng da cá nguội hẳn thì có thể thưởng thức.
Đậu phộng chiên xong phải để thật ráo dầu nhé!
Lưu ý khi chiên đậu phộng da cá:
Khi chiên đậu phộng bạn phải chiên ngập dầu, có như vậy đậu mới chín vàng đều, giòn ngon mà không bị thấm dầu. Đun dầu nóng già rồi mới cho đậu vào chiên, sau đó hạ lửa vừa trong suốt quá trình chiên đậu. Vì đậu phộng hạt to, lâu chín mà lớp vỏ lại được phủ bột, nếu để lửa lớn sẽ làm lớp vỏ cháy mà đậu phộng bên trong lại chưa chín kỹ.
Việc chiên đậu 1 – 2 phút rồi mới đảo là để lớp bột chín và không bị rơi ra dầu, có thể gây cháy dầu khi chiên.
Khi đậu phộng đã chuyển sang màu vàng đậm, bạn nên vớt vài hạt ra ăn thử, nếu vội vớt ra nhưng đậu chưa chín kĩ thì sẽ không ngon và giòn.
Đậu phộng da cá muốn ăn ngon và bảo quản được lâu thì phải làm ráo dầu hoàn toàn. Nếu khi chiên xong đậu vẫn ngậm nhiều dầu thì ăn nhanh ngán, để vài tiếng sẽ bị mềm ỉu lớp vỏ ngoài.
Yêu cầu thành phẩm
Thành phẩm đậu phộng chiên có màu vàng nâu đẹp mắt, đậu ráo dầu. Khi ăn, bạn có thể cảm nhận lớp vỏ ngoài giòn tan, vị hài hòa kết hợp với nhân đậu phộng bùi ngậy rất hấp dẫn.
Đậu phộng sau khi làm xong, để ráo dầu rồi đổ ra khay phơi cho đậu khô hẳn, sau đó bạn có thể cho vào hũ hoặc túi nilong kín để ăn dần. Thời gian bảo quản đậu có thể lên tới 3 – 4 tuần, tuy nhiên bạn chỉ nên sử dụng trong khoảng 7 ngày để đảm bảo hương vị thơm ngon nhất.
Thành phẩm đậu phộng da cá đẹp và ngon không thua kém ngoài hàng
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Để làm lớp bột áo đậu phộng, bạn có thể kết hợp bột nếp, bột bắp và bột mì, mỗi loại một ít ăn sẽ ngon hơn. Nếu không có đủ 3 loại bột, bạn có thể dùng một loại bất kì trong 3 loại trên.
- Khi làm đậu phộng da cá, người ta thường sử dụng thêm nước cốt dừa để tạo độ thơm ngậy cho món ăn. Nếu bạn là người miền Bắc không quen sử dụng nước cốt dừa hoặc muốn đậu phộng có vị thơm bùi tự nhiên, ăn không ngán thì không cần sử dụng nguyên liệu này.
- Với 150g đậu phộng bạn có thể thêm 20 – 25ml nước cốt dừa, cho vào trộn cùng với bột trước khi áo bột lên đậu phộng.
- Lượng đường các bạn có thể thêm bớt cho phù hợp với khẩu vị ngọt của mình.
- Nếu làm với số lượng nhiều cùng lúc, bạn nên chia nhỏ và chiên nhiều lần để đảm bảo độ giòn của đậu phộng.
- Khi chiên đậu phộng, một số người còn đập dập vài nhánh tỏi cho vào, đảo đều để tạo mùi thơm rồi hạ nhiệt độ thấp, sau đó mới cho đậu phộng vào chiên. Bạn có thể áp dụng thử cách này để tăng hương vị cho món ăn của mình.