Cách làm mầm đậu nành tại nhà nguyên chất 100% tốt cho phụ nữ

Chị em phụ nữ vẫn truyền tai nhau rằng mầm đậu nành là “thần dược” giúp kéo dài thanh xuân. Cách làm mầm đậu nành hóa ra rất đơn giản và có nhiều món ngon từ mầm đậu nành, tại sao không bắt tay làm thử nhỉ?
Mầm đậu nành
Món mầm đậu nành
Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách làm mầm đậu nành nguyên xơ tại nhà, bằng những nguyên liệu đơn giản và dễ kiếm.

Nguyên liệu

  • Hạt đậu nành (đậu tương) sống: 200-300g
  • Rổ nhựa sạch
  • Khăn vải sạch: 2-3 cái
  • Nước sạch

Chọn mua đậu

Khâu chọn đậu rất quan trọng, có thể coi như quyết định 85% sự thành bại. Nên chọn đậu nành ta,  hạt tròn mẩy, không mốc mọt, màu vàng tươi, được hong bằng cách phơi nắng. Tránh mua đậu sấy và tẩm chất bảo quản, mầm đã bị chết hết, không ủ cho nảy mầm được nữa.

đậu nành
Khâu chọn đậu quyết định 85% sự thành bại khi làm mầm đậu nành

Ngâm đậu

Đậu rửa sạch bụi bẩn, loại bỏ hạt mốc lép.

Ngâm đậu trong nước ấm (chỉ khoảng 30 độ) trong 4-6 tiếng. Hoặc đến khi nào thấy hạt đậu nở to, căng đến kích thước tối đa. Sau đó vớt đậu ra.

ngâm đậu nành
Ngâm đậu nành cho các hạt nở to, căng

Ủ đậu nành

Lấy rổ ra, lót một chiếc khăn mặt ẩm dưới đáy rổ, rồi trải một lớp đậu mỏng, sau đó lại đắp một chiếc khăn mặt ẩm lên trên. Nếu muốn làm nhiều đậu hơn, bạn có thể tiếp tục trải thêm một lớp nữa. Trên cùng bạn nên đè một vật nặng nào đó, chẳng hạn như úp một chiếc bát lớn. Sức nặng của đồ vật sẽ giúp nước từ khăn chảy xuống, khăn đỡ bị đọng nước. Ngoài ra úp như vậy cũng đảm bảo đậu ở trong bóng tối – môi trường thích hợp để đậu nảy mầm.

ủ đậu nành
Ủ đậu nành

Để đậu nành vào chỗ tối, mát mẻ. Hàng ngày cho tưới nước cho đậu 3 lần để duy trì độ ẩm của khăn. Tốt nhất chỉ nên đưa nhẹ nhàng cả rổ ủ đậu nành vào vòi nước đang chảy rồi bỏ ra ngay (nên tưới bằng vòi sen cho đều). Lưu ý duy trì tình trạng thông thoáng cho đậu, tưới nước nhưng phải để thoát nước qua các lỗ của rổ, tránh đọng nước làm đậu ủng thối.

Khi hạt đậu nảy mầm khoảng 1 – 2cm (mùa hè mất 2-3 ngày, mùa đông có thể mất 4-5 ngày) là ta đã có mầm đậu nành để dùng được.

Yêu cầu thành phẩm

mầm đậu nành
Đậu nành nảy mầm 1-2cm, mầm mập mạp, khi ăn có vị thanh ngọt.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Điều kiện thuận lợi nhất để đậu nành nảy mầm là trong nhiệt độ mát mẻ và bóng tối. Tốt nhất là trồng đậu nành ở khoảng 20-22 độ C.
  • Khi ủ cho đậu nảy mầm, cần chú ý chỉ để khăn có độ ẩm chứ không đọng nước, đậu nành sống trong môi trường thông thoáng, nhận đủ không khí cần thiết mới không bị ủng thối.

Cách làm khác

Ngoài cách dùng khăn vải để ủ mầm đậu nành như đã hướng dẫn ở trên, bạn còn có thể thay thế khăn vải bằng một số nguyên liệu khác như cát, lá tre, lá chuối, khăn giấy hoặc cho đậu nành vào vỏ hộp sữa, vỏ chai nước khoáng,…  rồi đậy nắp kín. Thucthan.com sẽ giúp bạn đánh giá từng cách làm như sau:

Dùng cát: Ủ xong phải rửa đậu nành cho sạch cát rất lâu, mất nhiều thời gian

Ủ mầm đậu nành bằng vỏ hộp sữa:

Nếu bạn không là người thường xuyên uống sữa thì không có sẵn vỏ hộp để làm. Ngoài ra ủ mầm đậu nành trong vỏ hộp sữa không có các lỗ thoáng như ủ trong rổ và đậy khăn, do đó nếu không chú ý chắt hết nước ở đáy hộp sẽ rất dễ khiến mầm đậu nành ủng thối.

Dùng vỏ chai nước khoáng (loại 1,5-5 lít): Trước khi cho đậu nành vào chai để ủ phải đục nhiều lỗ nhỏ ở chai. Nếu vậy thì cách dùng rổ và khăn tiện hơn vì rổ đã có lỗ sẵn.

Ủ mầm đậu nành bằng lá tre, lá chuối:

Cách này cũng ủ mầm đậu nành khá tốt nhưng nếu ở thành phố thì hơi khó kiếm nguyên vật liệu

ủ mầm đậu nành bằng lá tre
Ủ mầm đậu nành bằng lá tre cũng hiệu quả nhưng vật liệu khó kiếm đối với thành phố

Ủ mầm đậu nành bằng khăn giấy:

Thay vì ủ bằng khăn vải, bạn cũng có thể dùng khăn giấy, vừa nhanh lại không lo phải giặt giũ khăn. Cách này cũng rất tiện.

Ủ mầm đậu nành bằng khăn giấy
Ủ mầm đậu nành bằng khăn giấy

Thông tin thêm

Mầm đậu nành có tác dụng gì?

Những năm gần đây, mầm đậu nành được ca ngợi về những công dụng đáng kinh ngạc, đặc biệt là dành cho phụ nữ. Nguyên nhân là do trong đậu nành có chứa hàm lượng lớn chất isoflavones, một chất tương tự như hoocmon estrogen, được xem như nội tiết tố nữ thiên nhiên và có tỉ lệ cao nhất khi hạt đậu nành mọc mầm.

Một số tác dụng của mầm đậu nành được nhắc đến nhiều nhất bao gồm: cân bằng nội tiết tố nữ, làm sáng da, mịn da, tăng kích thước vòng 1, giúp duy trì nét đẹp thanh xuân, phòng chống lão hóa, ngăn ngừa hỗ trợ giai đoạn tiền mãn kinh, ngăn ngừa bệnh ung thư,…

Rất nhiều sản phẩm từ mầm đậu nành ra đời, đặc biệt là bột mầm đậu nành để đáp ứng nhu cầu làm đẹp, kéo dài thanh xuân cho chị em. Nếu biết cách tự ủ mầm đậu nành tại nhà, tự tay lựa chọn nguyên liệu chất lượng, bạn sẽ có món mầm đậu nành đảm bảo sạch sẽ, an toàn, không lo có chất bảo quản hay hóa chất độc hại khác.

Cách sử dụng mầm đậu nành

Cách làm bột mầm đậu nành để uống (bột mầm đậu nành khô)

Sau khi thu hoạch được mầm đậu nành, bạn loại bỏ hết vỏ đậu còn dính trên mầm bằng cách chà xát nhẹ và đem phơi khô.

Rang chín mầm đậu nành đã phơi trên chảo cho đến khi thấy mầm đậu vàng đều.

Cuối cùng cho đậu nành vào máy xay nhỏ thành bột là bạn thu được món bột mầm đậu nành khô.

Đem bảo quản bột mầm đậu nành trong lọ sạch đậy nắp kín để sử dụng hàng ngày bằng cách pha với nước làm nước uống.

bột mầm đậu nành
Bột mầm đậu nành

Cách làm sữa mầm đậu nành tại nhà

Rửa sạch mầm đậu nành, loại bỏ vỏ hạt đậu còn dính trên mầm bằng cách chà xát nhẹ.

Cho mầm vào máy xay sinh tố cùng nước rồi xay nhuyễn mịn.  Với 200g mầm đậu nành thì dùng khoảng 1,2 lít nước. Bạn có thể gia giảm lượng nước để có món sữa không đặc quá, không loãng quá, phù hợp vớ khẩu vị. Nếu nhiều mầm quá có thể chia nhỏ thành nhiều lần xay cho được nhuyễn mịn.

Dùng rây lọc hoặc túi lọc, khăn xô để lọc bỏ phần bã, chỉ giữ lại phần nước.

lọc sữa mầm đậu nành
Lọc sữa mầm đậu nành

Đun phần nước đến khi sôi thì tắt bếp (tránh để sôi trào). Món này nếu không để ý canh bếp rất dễ sôi bùng lên, tràn ra bếp và bạn phải lau dọn khá mệt đấy.

Vậy là món sữa mầm đậu nành đã hoàn thành. Bạn có thể cho thêm ít đường để có món sữa mầm đậu nành béo thơm, ngọt ngào. Món này uống lúc còn nóng hổi hay cho đá mát lạnh đều ngon.

Nhà ai có máy làm sữa đậu nành, máy làm sữa hạt thì càng tiện hơn, chỉ việc cho nước và mầm đậu nành vào máy là máy tự xay và nấu chín, không phải trông bếp.

Sữa mầm đậu nành làm xong có thể bỏ vào chai, lọ đậy nắp kín trong ngăn mát tủ lạnh dùng được 2-3 ngày.

Một số món ăn khác từ mầm đậu nành

Bạn có thể sử dụng mầm đậu nành như một loại rau để cho vào các món canh chân giò, canh xương, canh thịt băm,… hay làm các món xào như mầm đậu nành xào thịt bò, mầm đậu nành xào cà chua hành lá,… cũng rất dễ ăn và ngon miệng.

Hiện nay có một số luồng thông tin cho rằng các sản phẩm từ đậu nành như mầm đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ,… gây nguy hại đối với những người đang bị u xơ tử cung.

Những người theo quan điểm này cho rằng bệnh u xơ cổ tử cung là do estrogen trong cơ thể tiết ra nhiều và hoạt động mạnh, mà đậu nành lại chứa nhiều phytoestrogen, một hợp chất có các đặc tính tương tự estrogen, nên có thể làm gia tăng estrogen trong cơ thể người phụ nữ.

Mặc dù chưa có tài liệu khoa học chính thức nào công nhận điều này nhưng tốt nhất những người bệnh u xơ tử cung nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những sản phẩm liên quan tới đậu nành.

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn