Cách nấu canh khổ qua nhồi thịt ngon, bổ, không đắng
Mục lục
Món canh khổ qua
Nguyên liệu
- Khổ qua: 2-3 quả
- Thịt heo xay: 3 lạng
- Nấm hương, mộc nhĩ
- Dong miến
- Trứng gà: 1 quả
- Tỏi, hành khô
- Hành lá
- Các gia vị thông thường
Sơ chế nguyên liệu
Khổ qua mua về bỏ cuống, bỏ phần đầu nhọn, cắt thành từng khoanh tròn có chiều dài khoảng 4-5cm. Dùng dao nhọn khoét bỏ phần ruột và hạt, sau đó ngâm khổ qua trong nước có pha chút muối trong vòng 10 phút. Sau khi ngâm xong thì vớt khổ qua để riêng ra rổ cho ráo nước.
Hành lá bỏ phần rễ và nhặt bỏ những phần úa vàng, héo dập rồi rửa sạch. Sau đó lấy 1 phần hành xắt nhỏ, phần còn lại trụng phần lá hành vào 1 tô nước sôi nóng rồi nhanh chóng ngâm vào tô nước đá để lá hành có độ dai và vẫn giữ được màu xanh. Phần lá hành này dùng để buộc miếng khổ qua, nhằm giữ thịt nhồi không bị rơi ra ngoài vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho món ăn.
Nấm hương và mộc nhĩ, miến (nếu có) vào nước hơi ấm. Sau khi nấm và miến mềm, mộc nhĩ nở thì xát với 1 chút muối hạt, rửa sạch và băm nhỏ.
Hành khô và tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
Thịt mua về rửa qua với nước muối, băm nhỏ. Cho thịt ra tô riêng, đập 1 quả trứng gà vào và cho nấm, mộc nhĩ, hành tỏi khô, miến, 1 ít hành lá xắt nhỏ vào trộn đều. Sau đó ướp hỗn hợp thịt băm này với 1/2 thìa nước mắm, 1/2 thìa mì chính, 1 ít hạt tiêu và 1/2 thìa dầu ăn trong vòng khoảng 10 phút để ngấm gia vị.
Nấu canh khổ qua nhồi thịt
Bước 1: Cho khoảng 1,5l nước vào nồi, đun sôi thì cho khổ qua vào luộc sơ qua khoảng tầm 2 phút. Sau đó nhanh tay vớt khổ qua vào 1 tô nước đá đã chuẩn bị sẵn, bước này giúp cho khổ qua giòn, khi nấu không bị úa và nhũn, đặc biệt giữ được màu xanh đẹp mắt và không bị hăng.
Bước 2: Sau khi khổ qua nguội, vớt ra 1 tô riêng. Tiếp đó bắt đầu nhồi hỗn hợp thịt băm vào ruột từng miếng khổ qua, sau đó lấy dây hành lá buộc lại để đảm bảo phần nhân thịt không bị rơi ra ngoài.
Bước 3: Cho khổ qua đã nhồi thịt vào nồi, đổ khoảng 1l nước vào để nấu canh (lượng nước có thể linh hoạt, tùy vào số lượng người ăn) và đun sôi. Khi nước canh sôi có thể hạ bớt lửa để ninh thêm khoảng 5-10 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi canh khổ qua đã chín mềm, dậy mùi thơm hấp dẫn thì cho nốt phần hành lá xắt nhỏ vào và múc ra tô.
Thành phẩm cách nấu canh khổ qua nhồi thịt
Yêu cầu thành phẩm
Canh khổ qua nhồi thịt phải đảm bảo nước canh trong, thịt thơm mềm, khổ qua không bị đắng
Canh khổ qua nhồi thịt đạt chuẩn là nước canh trong, khổ qua không bị nhũn nát, giữ được màu xanh đẹp mắt. Đặc biệt khi ăn, miếng khổ qua không bị đắng mà vẫn giữ được vị thơm ngon quyện với phần nhân thịt đậm đà, ngọt dịu.
Canh khổ qua nhồi thịt nên ăn khi nóng cùng với cơm để cảm nhận được trọn vị thơm ngon của món ăn bổ dưỡng này.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Chọn quả khổ qua có phần cuống còn tươi, màu xanh nhạt tươi tắn, không bị dập nát hay bị thối. Cũng không nên chọn quả khổ qua có màu vàng hay quá chín, khi nấu sẽ không đạt được vị thơm ngon.
- Để khổ qua không bị đắng thì không được bỏ qua bước ngâm khổ qua với nước muối loãng và luộc qua rồi cho vào tô đá.
- Để nước canh khổ qua nhồi thịt được trong thì khi nấu cần hớt hết phần lớp bọt nổi lên trên và lưu ý không nên đậy vung. Đậy vung sẽ làm cho nước canh khổ qua có cặn và miếng khổ qua có màu vàng úa không được đẹp mắt.
- Để phần nhân thịt không bị khô thì tốt nhất nên chọn phần nạc vai để băm, không nên chọn thịt thăn sẽ bị khô vì có quá nhiều phần nạc.
- Một số món canh khổ qua bổ dưỡng khác
- Ngoài món canh khổ qua nhồi thịt, bạn cũng có thể chế biến một số món canh thơm ngon sử dụng nguyên liệu chính là khổ qua như canh khổ qua cá thác lác hay canh khổ qua với thịt bò hoặc canh khổ qua với trứng.
Thông tin thêm
Một số tác dụng của canh khổ qua
Theo nghiên cứu, trong khổ qua (mướp đắng) chứa nhiều giá trị dinh dưỡng như sắt, natri, chất xơ, protein, kẽm và vitamin B... Canh khổ qua rất tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung năng lượng, mát gan giải nhiệt, giảm cholesterol và tăng cường miễn dịch đề kháng. Chính vì vậy, canh khổ qua rất tốt cho những người mới ốm dậy hoặc những người có bệnh về tiểu đường, mỡ máu hay sỏi thận...
Tuy nhiên, đối với 1 số đối tượng, khổ qua lại là tác nhân gây hại đến sức khỏe nếu như sử dụng chúng với số lượng nhiều. Ví dụ, những người có tiền sử bị đau đầu, hạ đường huyết, bà bầu và sau khi sinh đang trong thời kỳ cho con bú, những người bị dạ dày, tiêu chảy... thì không nên dùng nhiều khổ qua.