Cách nấu canh cua rau đay ngon hết sẩy, đơn giản dễ làm
Mục lục
Món canh cua rau đay
Nguyên liệu
- Thịt cua đồng: 200g
- Rau đay: 1 mớ
- Mồng tơi: 1 mớ
- Mướp hương: 1 quả (nếu có)
- Hành khô
- Các gia vị thông thường
Sơ chế nguyên liệu
Cua đồng mua ở chợ và nhờ người bán lọc lấy gạch và xay phần thịt luôn để tiết kiệm thời gian và công sức (đặc biệt đối với người không biết làm cua). Bạn hoàn toàn đảm bảo được vấn đề vệ sinh khi quan sát được quá trình làm cua của người bán và chủ động yêu cầu người bán rửa sạch cua trước khi xay.
Để riêng phần gạch cua ra bát riêng, sau đó tiến hành lọc phần thịt cua đã xay sẵn.
Cho phần thịt cua vào tô nước và dùng đũa khuấy đều, sau đó lọc qua rây sang 1 tô khác để loại bỏ phần bã vỏ cua.
Bạn có thể lọc thêm 2-3 lần để phần thịt cua không còn dính cặn vỏ cua, khi ăn sẽ có cảm giác lạo xạo rất khó chịu.
Lọc cua
Nếu như bạn có thời gian và muốn tự mình làm cua để yên tâm hơn khi sử dụng, bạn có thể làm theo cách sau:
Làm thịt cua
- Cho cua vào chậu nước nhỏ hoặc xô nhỏ, dùng đũa khuấy mạnh để cua nhả bùn đất, xong đổ ra rổ, dội nước lạnh. Làm như vậy nhiều lần đến khi thấy cua sạch là được.
- Sau đó, 1 tay cầm lấy 1 bên càng cua, tay còn lại nhanh nhẹn lột phần yếm, tách mai. Hoặc bạn có thể dùng 2 ngón tay cầm ngang phần yếm cua, tay còn lại giật nhanh phần thân cua rời ra thì sẽ không bị càng cua cắp phải.
- Dùng chuôi thìa để khêu lấy gạch cua rồi để riêng ra bát, phần thân cua thì rửa lại qua với nước, cho vào máy xay. Tiếp đến, lọc phần thịt cua khỏi vỏ giống như trên.
Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
Rau đay, mồng tơi nhặt sạch, ngâm với nước muối pha loãng rồi vớt ra, rửa lại với 2 -3 lần nước nữa rồi cho ra rổ để ráo. Sau khi rau ráo nước thì xắt nhỏ.
Mướp hương nạo vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa ăn. Lưu ý đừng thái mướp hương quá bé, khi nấu canh cua sẽ bị nhũn.
Rau đay, mồng tơi và mướp hương
Cách nấu canh cua rau đay
Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa dầu ăn vào phi thơm hành khô, sau đó cho phần gạch cua vào để chưng, hạ lửa nhỏ và thêm 1/2 thìa nước mắm vào để gạch cua thơm và đậm đà hơn. Đảo đều tay và chưng đến khi thấy phần gạch cua vàng ươm, sền sệt lại là được.
Chưng gạch cua
Phần gạch cua sau khi chưng thì cho riêng ra bát.
Đổ phần nước thịt cua đã lọc kỹ vào nồi, thêm 1 thìa mì chính, 1 thìa nhỏ bột canh vào khuấy nhanh theo hướng cùng chiều kim đồng hồ, để lửa hơi lớn. Nấu đến khi thấy nước canh cua gần sôi thì hạ lửa liu riu để phần thịt cua nổi lên trên bề mặt canh và kết thành từng tảng.
Sau khoảng 2-3 phút thì dùng muôi hớt các tảng thịt cua cho ra bát. Dùng đũa để khuấy đều nước canh cua để phần thịt cua không bị dính dưới đáy nồi, đồng thời tăng lửa lớn lên. Đến khi nước canh bùng sôi lên thì cho rau đay, mồng tơi và mướp hương vào, dùng muôi đảo đều và vẫn để lửa lớn để rau được xanh.
Nêm nếm gia vị vừa ăn, khi thấy rau chín mềm thì trút ra tô.
Đổ gạch cua và thịt cua lên trên bề mặt bát canh để tăng thêm độ hấp dẫn cho món canh cua thơm ngon này. Canh cua rau đay mồng tơi nên ăn lúc nóng, ăn kèm với cà muối rất hợp vị và đưa cơm.
Yêu cầu thành phẩm
Món canh cua rau đay
Cách nấu canh cua rau đay ngon đúng chuẩn phải đạt những yêu cầu sau: Nước canh cua trong, rau xanh, gạch cua có màu vàng ươm, có nhiều tảng thịt cua. Khi ăn cảm nhận được rõ ràng nước canh ngọt vị cua quyện với vị thanh mềm của rau đay, mồng tơi và mướp hương.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
Để món canh cua ngon, trước tiên cần phải chọn được cua đồng tươi ngon. Hiện nay phần lớn ở ngoài chợ thường bán cua nuôi và có rất ít người nhận biết được sự khác biệt của cua nuôi và cua đồng.
Cua đồng đúng chuẩn sẽ có màu đen sậm, mai cua bóng, càng nhỏ. Cua đồng thường bò rất khỏe trong khi cua nuôi sức khá yếu, khi cho vào chậu, bò được 1 lúc thì nằm im. Và thêm 1 đặc điểm nữa, cua nuôi thường rất dễ bị rụng càng. Khi nấu, thịt cua đồng thơm hơn, ngọt hơn so với cua nuôi.
Nếu không mua được cua đồng, bạn cần tích lũy kinh nghiệm để chọn cua tươi ngon. Ví dụ, cua tươi ngon khi có động sẽ chạy rất nhanh. Chân, càng cua đủ, không bị rụng. Đặc biệt, nếu thấy càng cua luôn chĩa lên phía trên là con cua tươi ngon. Hoặc khi ấn vào yếm cua, nếu thấy bọt nổi lên là cua còn khỏe. Ngoài ra, đừng quên ấn vào yếm cua để kiểm tra xem cua có chắc thịt không. Nếu ấn vào yếm cua thấy bị lún thì cua ít thịt và độ tươi không bằng con cua có yếm chắc.
Ngoài ra, nếu phân biệt được cua đực và cua cái cũng giúp cho bạn chủ động hơn trong việc tạo ra các món ăn ngon từ cua. Bởi cua đực sẽ có nhiều thịt trong khi cua cái có nhiều gạch. Điểm phân biệt cua đực và cua cái rõ ràng nhất là ở phần yếm cua, nếu yếm cua lớn là cua cái còn cua đực có yếm bé hơn.
Cua ngon nhất là vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng (tính theo âm lịch). Theo nghiên cứu, vào thời điểm giữa tháng, cua trong giai đoạn thay vỏ nên sức yếu, thịt bở.
Mẹo làm cua không bị càng cua cắp đó là sau khi rửa sạch cua, cho cua vào chậu nước có thả nhiều viên đá lạnh. Cua trong môi trường nước lạnh sẽ cứng đờ càng chân và lúc này bạn sẽ dễ dàng tách mai cua mà không sợ bị cua cắp vào tay.
Để thịt cua kết dính, dẻo và đậm đà thì khi xay thịt cua cần cho 1 nhúm muối hạt.
Để canh cua thơm ngon, không bị tanh thì đừng bỏ qua bước chưng gạch cua cùng với hành khô và chút nước mắm.
Để phần rau đay, mồng tơi được xanh thì cần để lửa to, đồng thời hớt bỏ liên tục lớp bọt của cặn rau để nước canh cua trong. Đây là cách nấu canh cua ngon mà các bà nội trợ cần lưu ý.