Cách nấu bò kho bánh mì ngon nhất đúng kiểu miền Trung
Mục lục
Món bò kho
Trong các loại thịt, thịt bò được xem là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng với tất cả mọi người, vì vậy được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày. Từ thịt bò, người ta có thể chế biến ra vô số món ăn khác nhau, trong đó phải kể đến món bò kho.
Bò kho là món ăn quen thuộc với tất cả mọi người, thường được dùng để ăn sáng hoặc ăn vào các bữa chính trong ngày, bò kho có thể ăn với cơm, với bún hay bánh mì nóng giòn đều được.
Không chỉ xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, bò kho còn góp mặt trong hầu hết các mâm cỗ tiệc của người Việt. Những miếng thịt bò mềm thơm với nước sốt đậm đà, rau củ giòn ngọt và hương thơm nức mũi sẽ khiến các thực khách phải xiêu lòng.
Bò kho là món ăn ngon từ thịt bò được nhiều người yêu thích
Nguyên liệu
- Thịt bò: 600g
- Bột bò kho: 1 muỗng
- Muối: 2 muỗng
- Đường: 1 muỗng
- Hạt nêm: 1 muỗng
- Màu dầu điều: 3 muỗng
- Hạt tiêu: ½ muỗng
- Bột năng: 3 muỗng
- Cà rốt: 2 củ
- Sả: 4 cây
- Gừng: 2 nhánh nhỏ
- Rượu trắng: ½ chén
- Hành tím: 1 củ
- Tỏi khô: ½ củ
- Hoa hồi, quế
Sơ chế nguyên liệu
Tỏi khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
Hành khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, 1 nhánh đem băm nhỏ để riêng, nhánh còn lại giã nhuyễn rồi trộn với rượu trắng để sơ chế thịt bò.
Thịt bò sau khi rửa qua nước, bạn lấy hỗn hợp rượu gừng chà xát kỹ một lần nữa rồi rửa sạch. Tiếp đó, bạn nấu nồi nước sôi rồi cho thịt vào chần sơ, lưu ý không nên chần quá lâu sẽ làm thịt chín và bị dai. Sơ chế các bước như vậy để khử sạch mùi hôi, ngây của thịt bò.
Chần sơ thịt với nước sôi để loại bỏ hoàn toàn mùi hôi của thịt bò
Thái thịt
Sau khi sơ chế, bạn dùng dao cắt thịt thành những miếng vừa ăn, bạn có thể cắt miếng vuông hoặc hình chữ nhật tùy ý, lưu ý là phải cắt miếng to và dày hơn thông thường.
Thái thịt thành những miếng vuông hoặc hình chữ nhật to và dày
Ướp thịt bò với gia vị
Cho thịt bò đã thái miếng vào tô, bạn ướp thịt với 2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng đường, 1 muỗng bột bò kho, 1 muỗng màu dầu điều và ½ muỗng hạt tiêu. Trộn thật đều rồi ướp trong khoảng 30 phút để thịt thấm gia vị.
Ướp thịt trong khoảng 30 phút cho thấm gia vị
Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà rốt rửa sạch, gọt sạch vỏ, tỉa hoa rồi cắt thành các miếng dày khoảng ½ cm. Bước tỉa hoa trước khi cắt sẽ giúp cà rốt có hình bông hoa đẹp mắt, nếu muốn đơn giản hơn thì bạn cắt miếng thường.
Sả rửa sạch, bóc bỏ phần lá già, cắt bỏ gốc, cắt sả thành khúc nhỏ rồi đập dập.
Hoa hồi và quế bạn lấy lượng đủ nấu, cho vào chảo rang thơm.
Nấu bò kho
Bạn bắc nồi lên bếp với chút dầu ăn, khi dầu nóng thì cho tỏi băm, hành băm và gừng băm vào phi thơm, tiếp đó cho hết phần thịt bò đã ướp vào xào.
Đảo đều tay cho đến khi thịt bò săn lại thì cho sả đập dập vào đảo tiếp, khi thấy mùi sả thơm thì đổ thêm nước lọc vào nồi sao cho nước xâm xấp mặt thịt, tiếp đó cho quế và hoa hồi rang thơm, đậy vung lại rồi đun với lửa vừa trong khoảng 30 phút.
Khi thịt bò chín mềm, bạn hòa bột năng với chút nước lạnh rồi từ từ đổ vào nồi thịt, vừa đổ vừa khuấy đều để bột năng tạo độ sánh cho phần nước sốt, cho cà rốt vào nấu thêm khoảng 5 – 10 phút cho chín rồi tắt bếp.
Lưu ý, bạn chỉ cần nấu cho cà rốt chín thì tắt bếp ngay, nếu nấu lâu hơn nữa thì thịt và cà rốt sẽ bị mềm, nát.
Nấu cho cà rốt chín tới thì tắt bếp ngay
Trình bày và thưởng thức
Bạn múc bò kho ra tô hoặc đĩa lòng sâu, rắc hạt tiêu và rau ngò gai lên trên cho đẹp mắt. Dọn bò kho ăn cùng cơm, bún hoặc bánh mì nóng giòn. Bò kho phải ăn lúc còn nóng mới ngon.
Thành phẩm bò kho có màu sắc và hương thơm hấp dẫn
Yêu cầu thành phẩm
- Món bò kho có màu đỏ nhẹ đẹp mắt của dầu màu điều.
- Thịt bò chín mềm nhưng không nát, giòn nhưng không bở, vị hơi dai dai.
- Cà rốt chín mềm, giữ được vị ngon ngọt đặc trưng, không bị mềm nát hay biến dạng.
- Nước kho (nước sốt) sánh, đậm đà và thơm lừng mùi sả, mùi bò kho. Lượng nước kho vừa phải, không quá ít nhưng cũng không nhiều như các món canh.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
Lưu ý khi chọn mua nạm bò
Thịt bò có nhiều loại khác nhau, với món bò kho, ngon nhất là bạn nên chọn phần nạm bò pha chút gân, khi nấu sẽ giúp thịt có độ dai dai giòn giòn hấp dẫn. Thịt nạm bò là phần thịt được cắt ra từ phần hông của con bò, còn được gọi là nạm bò hay thịt nạm, đó là phần cơ có hình bầu dục nằm ở gần đường rạch bụng của con bò. Đây là phần thịt dài, mỏng và nhiều nạc, không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn chứa nhiều dưỡng chất như sắt, kẽm, kali, axit amin, vitamin nhóm B…
Chọn nạm bò để nấu món bò kho thơm ngon, chuẩn vị nhất
Nạm bò thích hợp để chế biến các món hầm và lagu. Khi mua nạm bò, bạn nên chọn phần thịt tươi ngon, tốt nhất là thịt mới mổ (hay còn gọi là thịt nóng).
Chọn miếng thịt có màu đỏ tươi, mỡ màu vàng nhạt, gân màu trắng và cứng; khi sờ vào thấy bề mặt khô mịn và có độ đàn hồi; thịt không có mùi hôi tanh khó chịu.
Bạn lưu ý, nếu thịt có màu đỏ sậm, mỡ vàng đậm, thớ to là thịt bò già, khi ăn sẽ rất dai. Những miếng thịt có dấu hiệu mềm, nhão, dính nhớt và mùi hôi là thịt đã để lâu cũng không nên sử dụng.
Ngoài nạm bò, bạn có thể chọn phần bắp bò, gân bò… để nấu bò kho cũng được.
Thông tin thêm
Bò kho ăn với gì ngon nhất?
Bò kho là một món ăn linh động, có thể kết hợp với nhiều món khác nhau. Bạn có thể dọn bò kho để ăn cùng cơm nóng, ăn với bánh mì, bún tươi hoặc nấu hủ tiếu… trong đó bánh mì bò kho được xem là “cặp đôi hoàn hảo” nhất.
Để làm hủ tiếu bò kho, bạn chỉ cần trụng sợi hủ tiếu qua nước sôi cho mềm, cho ra tô cùng với hỗn hợp bò kho và nước sốt, chuẩn bị thêm các loại rau thơm và chanh tươi ăn kèm là được.
Lưu ý khi nấu bò kho để có nồi bò kho ngon chuẩn vị
Khi mua thịt bò nấu bò kho, tốt nhất là nên chọn thịt nạm bò có chút gân, như vậy khi nấu lên thịt sẽ có cả vị mềm, dai nhưng giòn giòn rất hấp dẫn, ăn nhiều cũng không bị chán.
Để thịt bò không có mùi hôi, bạn dùng muối, gừng và rượu trắng dể sơ chế, thịt sau khi làm sạch nấu sẽ rất ngon.
Khi nấu bò kho, không nên cho quá nhiều nước, lượng nước vừa đủ sẽ giúp phần nước kho sánh đặc và đậm đà.
Bạn có thể dùng nồi áp suất để nấu cho thịt bò nhanh mềm.
Cách nấu bò kho như vậy là đã hoàn thành rồi, không khó một chút nào phải không các bạn? Với món bò kho, bạn có thể chế biến thường xuyên để kết hợp với cơm, bún, bánh mì, hủ tiếu… trong bữa ăn hàng ngày hoặc các dịp cuối tuần, mỗi biến tấu khác nhau lại đem đến một hương vị mới lạ, giúp bạn có những giây phút thú vị khi thưởng thức.