Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng tại nhà ngon chuẩn vị
Mục lục
Món bánh đa cua
Bánh đa cua là món ăn đặc sản nổi tiếng của thành phố Hải Phòng, được làm từ sợi bánh đa, cua đồng và các nguyên liệu bình dân khác. Thế nhưng, hương vị đặc biệt của món ăn này đã làm thổn thức biết bao thế hệ các thực khách gần xa.
Có thể nói, bánh đa cua là một bản hòa tấu độc đáo của cả màu sắc và hương vị. Chỉ với cái nhìn đầu tiên, thực khách sẽ bị hút hồn ngay bởi thành phần nguyên liệu đa dạng với màu sắc vô cùng hấp dẫn, đó là bánh đa đỏ, gạch cua, sườn heo, chả cá, chả lá lốt, rau xanh, rau thơm…
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dai dai của sợi bánh đa hòa quyện với vị ngọt đậm đà của nước dùng được nấu từ cua và xương, ăn với chả lá lốt và các nguyên liệu khác ngon tuyệt, một hương vị rất riêng không thể lẫn.
Bánh đa cua là món ăn đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng
Ngày nay, bánh đa cua đã có mặt ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Chỉ với 30.000 – 50.000đ bạn có thể thưởng thức ngay tô bánh đa nóng hổi, thơm lừng. Thế nhưng, ở mỗi nơi lại có sự biến đổi một chút so với hương vị gốc, vậy nên muốn thưởng thức bánh đa cua đúng vị cũng không hề dễ dàng.
Để đáp lại sự kỳ vọng của các bạn, hôm nay Thucthan.com sẽ hướng dẫn cách nấu bánh đa cua Hải Phòng đúng vị thơm ngon nhất. Với cách làm này, bạn có thể tự tay vào bếp để nấu bánh đa cua bất cứ lúc nào!
Nguyên liệu
- Cua đồng: 500g
- Sườn heo: 300g
- Chả cá loại ngon: 100g
- Mỡ heo: 100g
- Thịt heo xay nhuyễn: 150g
- Lá lốt: 1 bó
- Bánh đa đỏ (tùy ý, chuẩn bị theo nhu cầu của gia đình)
- Cà chua: 2 trái
- Rau rút ( hay rau nhút): 1 bó
- Rau muống: 1 bó
- Nấm mèo: 3 tai
- Hành tím: 2 củ
- Ớt tươi: 3 trái
- Chanh tươi: 2 trái
- Các loại rau: xà lách, rau thơm, hành lá, ngò…
- Dầu ăn, muối, hạt nêm, bột ngọt, mắm tôm…
Sơ chế nguyên liệu
Sườn heo mua về đem rửa sạch với nước, nếu cần thiết có thể rửa thêm với nước muối cho sạch. Chặt sườn thành các miếng nhỏ vừa ăn. Bạn đun sôi một nồi nước rồi cho sườn vào luộc khoảng 1 – 2 phút, làm như vậy để loại bỏ các bọt bẩn trong sườn tiết ra. Tiếp đó, bạn vớt sườn ra rổ rồi rửa lại với nước lạnh.
Luộc sơ sườn heo cho sạch rồi mới tiến hành nấu nước dùng
Cua mua về cho vào nồi, đậy vung rồi xóc thật sạch. Để làm cua, bạn tách bỏ phần yếm và mai cua, chỉ lấy phần thân. Khều gạch cua ở mai ra một cái chén nhỏ, đổ vào nồi.
Chỉ lấy phần thân cua, mai và yếm đem bỏ
Bánh đa rửa sạch, ngâm nước lạnh khoảng 5 phút cho mềm rồi vớt ra rổ, để ráo nước.
Mỡ heo rửa sạch, thái hạt lựu.
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau vừa.
Lá rốt rửa sạch, để thật ráo nước.
Rau muống nhặt sạch, bỏ bớt lá, ngắt khúc vừa ăn, đem rửa sạch rồi để ráo.
Rau nhút nhặt các cọng non, rửa sạch, để ráo.
Nấm mèo ngâm nước cho nở ra, cắt gốc, rửa sạch rồi băm nhỏ.
Hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng.
Hành lá, rau ngò nhặt gốc, rửa sạch, thái nhỏ.
Chả cá cắt miếng vừa ăn sao cho thật đẹp mắt.
Nấu nước dùng bánh đa cua
Sườn heo sau khi luộc sơ và rửa sạch bạn cho vào nồi cùng với chút hạt nêm, nước nắm, bột ngọt, đổ thêm nước rồi bắc lên bếp hầm khoảng 1,5 tiếng để làm nước dùng bánh đa cua.
Lưu ý, bạn căn chỉnh lượng nước sao cho phù hợp với số người ăn trong gia đình. Khi hầm sườn heo, nếu thấy có bọt thì bạn hớt tiếp cho sạch, như vậy nước dùng mới trong và ngọt.
Khi nước sôi thì bạn hạ lửa nhỏ, hầm liu riu trong khoảng 1,5 tiếng
Lưu ý: Bạn nên sơ chế xương và bắc nồi nước dùng lên bếp nấu trước, trong khi nấu thì tiến hành chế biến các nguyên liệu còn lại để tiết kiệm thời gian.
Xay cua
Thân cua bạn cho vào máy xay, thêm chút muối tinh rồi bấm máy xay nhuyễn. Nếu không có máy xay, bạn có thể cho cua vào cối giã cũng được, tuy nhiên bước này sẽ hơi tốn thời gian.
Cho từng chút nước vào thịt cua xay rồi dùng tay bóp nhẹ, đợi một lát cho thịt cua nổi lên trên rồi lọc lấy nước cua bên trên, đổ vào một cái nồi khác.
Xay cua sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn so với việc giã nhuyễn
Lọc nấy nước dùng cua
Làm chả lá lốt ăn kèm
Bạn cho thịt heo xay, nấm mèo thái nhỏ, một ít hành lá thái nhỏ, ½ muỗng hạt nêm, bột ngọt và hạt tiêu xay vào tô, trộn đều để tạo thành hỗn hợp hòa quyện. Xúc từng chút hỗn hợp trên vào chiếc lá lốt, cuộn tròn lại để tạo thành những miếng chả nhỏ, dài. Dùng 1 cây tăm xiên ngang qua miếng chả để cố định lá lốt. Làm tương tự cho đến khi hết nguyên liệu.
Chả lá lốt khi vừa cuốn
Sau khi làm xong chả lá lốt, bạn bắc chảo lên bếp rồi chiên chín chả.
Thành phẩm chả lá lốt sau khi chiên
Xào gạch cua
Cho mỡ heo thái nhỏ vào chảo, chiên đến khi nước mỡ tiết ra và tóp mỡ khô lại. Lúc đó, bạn cho hành tím thái mỏng vào phi thơm, đổ chén gạch cua vào xào để tạo màu rồi múc ra chén, để riêng.
Xào gạch cua với nước mỡ và hành phi
Chần rau ăn kèm
Đun sôi một nồi nước, cho rau muống và rau rút vào nồi luộc chín tới, vớt rau ra và thả nhanh vào thau nước đá lạnh. Ngâm khoảng 10 phút để rau giòn và giữ được màu xanh đẹp mắt, sau đó vở ra rổ, để ráo.
Rau luộc xong phải ngâm nước lạnh mới giữ được độ giòn
Hoàn thiện nồi nước dùng
Bạn chắt lấy phần nước dùng nấu từ sườn heo sang một cái nồi khác, để riêng. Nếu thích ăn sườn heo thì vớt sườn vào cùng.
Bắc nồi nước lọc cua lên bếp, đun sôi liu riu với lửa nhỏ, khuấy nhẹ nhàng để gạch cua không bị cháy khét dưới đáy nồi. Khi gạch cua nổi lên mặt nước, bạn vớt gạch cua ra chén để tránh bị vỡ, nát, sau đó trút nước hầm xương và cà chua vào nồi. Đun sôi lại rồi nêm nếm gia vị vừa ăn, cuối cùng cho gạch cua vào rồi tắt bếp.
Nồi nước dùng đậm đà, hấp dẫn
Thành phẩm và thưởng thức
Trụng bánh đa vào nước sôi cho mềm, đổ ra tô. Bạn xếp sườn heo, chả cá, chả lá lốt lên trên, múc thêm chút nước gạch cua xào để tạo màu đẹp mắt, thêm hành, ngò, ớt tươi (nếu thích ăn cay) vào tô, chan nước dùng vào rồi ăn nóng.
Xếp nguyên liệu vào tô rồi chan nước dùng nóng là xong
Ăn kèm với các loại rau sống, chanh tươi, chuẩn bị thêm chén nước mắm ăn kèm.
Chắc hẳn với hương vị tuyệt vời của món bánh đa cua, bạn sẽ thưởng thức một lần rồi nhớ mãi. Học cách nấu bánh đa cua Hải Phòng, bạn sẽ có thêm một món ăn đặc sản để bổ sung vào thực đơn gia đình hay trổ tài vào các dịp cần thiết.
Yêu cầu thành phẩm
- Tô bánh đa nóng hổi, nổi bật với mùi hương thơm lừng và màu sắc vô cùng hấp dẫn.
- Sợi bánh đa chín mềm nhưng dai dai, vị đậm đà, hòa quyện với nước dùng thanh ngọt nấu từ xương và cua.
- Chả lá lốt thơm lừng, chả cá dai ngon, sườn heo chín mềm, gạch cua thơm ngậy, rau muống và rau nhút xanh giòn, tất cả hòa quyện cùng nhau và hòa quyện với bánh đa dai mềm, với nước dùng có hương vị không thể lẫn, tạo nên một tổng thể hài hòa và một hương vị rất riêng.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
Cách chọn cua đồng ngon.
Bên cạnh việc mua cua tươi, còn sống thì có rất nhiều yếu tố quyết định đến độ thơm ngon của cua đồng. Bạn hãy tham khảo các mẹo sau đây để chọn được những con cua thơm ngon nhất:
+Lựa chọn thời điểm mua cua: Đầu tháng và cuối tháng là thời điểm cua ngon nhất, lúc này cua béo, chắc thịt, thịt thơm ngon. Giữa tháng cua lột vỏ nên gầy và ít thịt.
+ Mẹo chọn chua: Cua đồng thường có màu sáng đục (mai cua có màu sáng hơn một chút). Khi mua, bạn nên chọn những con cua di chuyển nhanh, càng khỏe và luôn chĩa lên trên, quan sát thấy mình cua mập, chân càng còn nguyên vẹn. Dùng tay ấn vào vỏ yếm thấy có bọt khí nổi lên là cua khỏe, còn tươi. Nếu phần yếm chắc, không bị lún là cua chắc thịt và ngược lại, phần yếm lún thì đó là cua ốp, ít thịt, thường bị khai và ăn không ngon.
Cua đồng là nguyên liệu dân dã nhưng hương vị thơm ngon đặc biệt
Cách chọn sườn heo.
Sườn heo là nguyên liệu nấu nước dùng, đồng thời cũng được múc ăn kèm với bánh đa cua nên cần lựa chọn kỹ lưỡng.
Chọn miếng sườn có cả nạc lẫn mỡ, khi ăn thịt sẽ mềm và thơm, béo. Miếng sườn có xương dẹp và nhỏ sẽ ít xương, nhiều thịt. Chọn những miếng sườn tươi màu hồng nhạt, khi ấn tay vào thấy mặt sườn khô, độ đàn hồi tốt. Không nên mua sườn để lâu hoặc có mùi ôi, thiu, màu sắc lạ.
Chọn sườn heo có cả nạc và mỡ để sườn mềm, thơm và béo
Mua bánh đa đỏ.
Bánh đa đỏ là nguyên liệu đặc trưng của Hải Phòng, được làm từ gạo theo công thức gia truyền của người Hải Phòng nên phải mua đúng gốc thì mới ngon. Bạn nên nhờ người quen mua ở Hải Phòng hoặc các địa chỉ uy tín để đảm bảo các yếu tố hấp dẫn về hương vị.
Bánh đa đỏ phải mua đúng gốc Hải Phòng thì mới ngon