Cách làm bánh gai Hải Dương tại nhà với lá gai ngon tuyệt
Mục lục
Món bánh gai
Nguyên liệu
- Bột nếp: 500g
- Bột sắn: 100g
- Lá gai tươi: 400g
- Đậu xanh đãi vỏ: 350g
- Đường cát trắng: 300g
- Dừa nạo: 100g
- Mỡ gáy heo: 100g
- Mè: 20g
- Tinh dầu bưởi: 20ml
- Lá chuối khô: 1 bó lớn
- Lạt tre buộc
- Dầu ăn
- Xửng hấp
Sơ chế lá gai
Lá gai mua về đem xé làm đôi, tước bỏ phần sống lá, phần xơ lá rồi đem rửa thật sạch cho hết đất cát, sau đó để ráo nước. Bạn bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, trút lá gai vào luộc cho mềm nhừ rồi vớt ra, để ráo nước. Đợi lá nguội hết thì trút vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn (hoặc có thể cho vào cối để giã nát). Dùng rây lọc lấy nước cốt lá gai, bỏ phần bã.
Lá gai cần tước bỏ xơ, luộc chín rồi đem xay lấy nước cốt
Lưu ý, một số người khi giã lá gai vẫn dùng luôn cả bã mà không lọc lại nước cốt, làm như vậy cũng được nhưng sử dụng nước cốt thì vỏ bánh sẽ mịn hơn, không bị cặn.
Làm bột bánh
Bạn cho bột nếp và bột sắn vào một cái thau nhỏ rồi trộn đều, thêm khoảng 150g đường và nước cốt lá gai vào, tiếp tục trộn cho bột ướt. Tiếp đó, bạn dùng tay nhào bột thật đều, nhào thật kỹ cho đến khi bột mềm dẻo và tạo thành khối đặc quánh.
Màu sắc bột bánh phụ thuộc vào lượng lá gai nhiều hay ít và bạn nhào kỹ đến mức nào
Lưu ý, cách làm bánh gai cầu kì nhất chính là khâu nhào bột, nếu bạn nhào bột càng kĩ thì bánh càng dẻo và đen, bóng đều đẹp mắt.
Rang mè
Bắc chảo lên bếp, làm nóng chảo rồi cho mè vào rang chín, khi mè dậy mùi thơm và nổ lốp bốp là đã chín, bạn đổ ra đĩa để nguội.
Rang mè cho chín và thơm rồi để nguội
Nấu đậu xanh
Đậu xanh bạn phải ngâm nước trước đó 2 – 3 tiếng cho đậu nở mềm, tới lúc làm bánh thì đem rửa sạch lại, cho vào nồi hấp chín. Lưu ý, bạn nên hấp đậu thay vì luộc để đậu bở và giữ được nhiều thành phần dinh dưỡng hơn. Nếu không có nồi hấp bạn có thể sử dụng nồi cơm điện để hấp đậu cũng được.
Khi đậu chín tới, bạn đổ đậu ra rồi cho vào máy xay xay nhuyễn hoặc giã nhuyễn. Lưu ý là không nên xay quá nhuyễn sẽ làm đậu giảm vị thơm bùi. Trút đậu xay ra tô.
Không nên xay hoặc giã quá nhuyễn sẽ làm giảm vị ngon của đậu
Sơ chế mỡ heo
Mỡ heo đem rửa sạch với nước rồi luộc chín, sau đó cắt hạt lựu nhỏ, cho vào chén trộn với khoảng 2 muỗng cà phê đường. Bạn trộn đều và đợi đến khi mỡ heo chuyển từ màu trắng sang trong, đường tan thành nước thì bỏ phần nước đường, lấy phần mỡ để làm nhân bánh. Mỡ heo sẽ giúp bánh có vị thơm, ngậy.
Ướp mỡ heo với đường cho đến khi chuyển từ màu trắng sang trong
Làm nhân bánh gai
Bạn trút mỡ heo vào tô đậu xanh xay nhuyễn, thêm dừa nạo, tinh dầu bưởi và lượng đường còn lại vào tô, trộn đều hỗn hợp. Lưu ý, khi làm nhân bánh gai, bạn nên cho nhiều đường một chút vì phần nhân ngọt sẽ bù cho phần vỏ bánh hơi nhạt, khi ăn sẽ vừa vị hơn. Lượng đường nhiều hay ít là do bạn tự quyết định, điều chỉnh sao cho phù hợp với khẩu vị của mình.
Sau khi trộn xong, bạn múc một lượng nhân vừa đủ vào lòng bàn tay, viên tròn lại, để ra khay rồi tiếp tục làm cho hết phần nhân đã chuẩn bị.
Nhân bánh gai trông thật hấp dẫn phải không nào?
Nặn bánh
Lấy một lượng bột vừa đủ vào lòng bàn tay, xoa tròn rồi ấn dẹt, sau đó cho phần nhân đậu xanh vào giữa, gói bột lại sao cho bột bánh bọc kín hết nhân và có hình tròn. Nặn xong thì lăn nhẹ qua đĩa mè rang. Làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu, đặt bánh vào khay.
Lưu ý:
- Nên thoa chút dầu ăn vào tay khi nặn bánh để bột không bị dính vào tay.
- Nếu không tự tin nặn bánh đẹp thì bạn có thể sử dụng khuôn bánh gai có sẵn.
- Vỏ bánh dày hay mỏng là do bạn quyết định ở bước này, phụ thuộc vào lượng bột nhiều hay ít.
Bạn nặn hết nhân rồi gói luôn một thể
Gói bánh
Lá chuối khô trước khi gói bạn nên lau sạch, có thể trần qua nước sôi cho lá mềm để dễ gói.
Cho chút dầu ăn ra chén.
Bạn trải 2 miếng lá chuối đè lên nhau, thoa một chút dầu ăn vào mặt trong của lá, nơi tiếp xúc với bánh rồi đặt bánh vào giữa, ấn hơi dẹp. Bạn xếp lá chuối sao cho kín bốn cạnh thành hình vuông rồi vuốt, ép bánh trải đều trong lớp lá, gói bên ngoài thêm 1 – 2 lớp lá nữa. Khi gói bánh phải lưu ý, gói lớp nào thì phải kín lớp đó rồi mới gói tiếp, làm như vậy bánh mới kín.
Dùng lạt buộc lại cho chắc chắn, nếu làm khéo tay thì không cần dùng lạt bánh vẫn cố định được.
Gói bánh thì cần phải khéo léo một chút nhé các bạn!
Hấp bánh
Bánh gói xong xếp vào nồi hấp đã có sẵn nước, bạn xếp bánh hơi thưa một chút, bắc lên bếp nấu sôi rồi hấp thêm khoảng 30 – 40 phút là bánh chín. Lúc này, bạn lấy bánh ra ngoài, để nguội rồi thưởng thức. Bánh gai khi nóng bột nếp chưa cô lại, ăn sẽ nhão, vì vậy nên để nguội ăn sẽ ngon hơn.
Xếp bánh vào nồi rồi hấp từ 30 – 40 phút tùy kích thước
Như vậy là Thucthan.com đã hướng dẫn xong cách làm bánh gai ngon nhất cho bạn rồi! Với món bánh gai này, bạn có thể sử dụng như một món ăn chơi, món tráng miệng sau bữa ăn hoặc món điểm tâm trong ngày. Đặc biệt, bánh gai rất thích hợp để làm quà biếu, quà tặng cho bạn bè, đồng nghiệp, thông gia… vừa ngon mà lại rất đảm bảo.
Yêu cầu thành phẩm
Những chiếc bánh gai được gói đều và đẹp.
Khi bóc vỏ ra, bánh bên trong đen nhánh lấm tấm hạt mè, vỏ bánh bọc kín lấy nhân, khi ăn rất dẻo và mịn. Nhân bên trong có vị ngọt bùi của đường và đậu xanh, vị thơm ngậy của dừa và mỡ heo, thoang thoảng hương dầu bưởi vô cùng hấp dẫn.
Món bánh gai có thể làm say lòng bất kì ai nếu một lần được thưởng thức
Bánh gai đem làm quà tặng thì hết chỗ chê
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Nếu không có lá gai tươi thì bạn có thể thay thế bằng bột lá gai. Bạn chỉ cần hòa tan bột lá gai với lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp vừa nấu vừa khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sôi và hơi đặc. Đợi hỗn hợp lá gai nguội bớt, bạn dùng máy xay cầm tay đánh nhuyễn cho hỗn hợp mềm mịn rồi đem trộn với bột.
Thông tin thêm
Bánh gai là loại bánh ngọt truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ. Bánh gai là đặc sản của nhiều vùng miền nhưng nổi tiếng nhất là bánh gai Tứ Trụ, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bánh gai có hình dẹt, lớp vỏ ngoài màu đen hấp dẫn, vị mềm dẻo, tượng trưng cho sự bền chặt, thủy chung của đôi lứa. Ruột bánh có màu vàng của đậu xanh, kết hợp với dừa và đậu phộng thơm bùi, toát lên sự đầy đủ, sung túc. Trước đây, bánh gai thường được dùng trong các dịp lễ, tết, bây giờ thì được làm và sử dụng quanh năm, trở thành một món bánh quen thuộc của ẩm thực đất Việt.
Mỗi vùng quê có một cách làm bánh khác nhau: Ở miền Trung, bánh gai còn được gọi là bánh ít lá gai, về thành phần và cách làm gần như tương tự, khác ở chỗ hình dáng và lá chuối gói bên ngoài. Bánh gai miền Bắc có hình dẹt, được gói từ lá chuối khô, bánh gai (bánh ít lá gai) miền Trung có hình viên chữ nhật hoặc tam giác và được gói bằng lá chuối tươi. Thông thường, khi nhắc đến bánh gai, người ta thường nghĩ đến bánh gai hình dẹt của người miền Bắc, loại này dễ gói, dễ ăn nên được nhiều người ưa chuộng.
Bánh gai là loại bánh ngọt truyền thống nổi tiếng của người dân Bắc Bộ
Còn đây là bánh ít lá gai của người miền Trung