Cách làm bánh ngào mật Nghệ An ngon tại nhà
Mục lục
Món bánh ngào
Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật, một đặc sản dân dã nổi tiếng của người dân Nghệ An. Nguyên liệu chính của bánh ngào là bột gạo, mật mía và gừng tươi, thường có nhân hoặc không nhân. Ngày xưa, các cụ thường làm nhân bánh từ đậu xanh, ngoài ra còn làm cả nhân mặn từ thịt và nấm mèo (mộc nhĩ). Ngày nay, người ta cho rằng bánh đã có mật đậm đà nên không cần phải có nhân, vậy nên ít người làm nhân để tránh bánh ngọt trong, ngọt ngoài gây nhanh ngán.
Tuy đơn giản nhưng bánh hớp hồn người ăn bằng chính những gì dân giã nhất. Cắn một miếng bánh mịn dẻo vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía tan ra, hòa quyện cùng bột nếp thơm bùi và mùi gừng nồng ấm, chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.
Với món bánh ngào vàng ươm, mềm dẻo, bạn có thể làm để ăn chơi, ăn vặt hoặc thậm chí là ăn vào bữa chính trong ngày. Được làm từ những nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, bánh ngào còn là món ăn chay được nhiều người yêu thích (gần giống món bánh trôi). Vì vậy, nếu biết cách làm bánh ngào, bạn sẽ có rất nhiều dịp để thực hiện món ăn này.
Nguyên liệu
- Bột nếp: 150g
- Gừng tươi: 1 củ
- Dầu ăn: 1 muỗng
- Mật mía hoặc đường thốt nốt
- Muối
- Nước nóng
Trộn bột và ủ bột
Bột nếp cho vào âu, thêm chút muối và dầu ăn vào trộn đều (chỉ thêm một chút muối cho bột đậm đà hơn). Từ từ chế nước nóng vào bột, vừa chế vừa trộn đều cho đến khi thấy hỗn hợp bột vừa đủ ướt thì dừng lại.
Trộn đều cho bột thấm nước rồi lấy bột ra mặt phẳng sạch, dùng tay nhồi cho đến khi bột thành khối dẻo mịn không dính tay. Bạn phải nhồi thật kỹ thì bánh mới ngon và dẻo. Cuối cùng, bạn bọc kín khối bột và để bột nghỉ trong khoảng 20 phút.
Bọc kín miệng tô lại rồi cho bột nghỉ 20 phút
Nặn bánh ngào
Hết thời gian ủ thì lấy bột ra, lấy lượng bột vừa đủ rồi nặn hình cái kén, kích thước to nhỏ tùy nhu cầu của bạn. Làm lần lượt cho đến khi hết bột. Có thể quan sát và làm theo hình bên dưới.
Nặn bánh thành hình những chiếc kén vừa ăn
Lưu ý:
+ Bạn có thể nặn bánh thành viên tròn hoặc hình cái kén vừa ăn, kích thước to nhỏ có thể tự điều chỉnh.
Bạn cũng có thể nặn bột thành hình tròn như thế này!
+ Khi nặn bánh phải căn cho lượng bột bằng nhau, có như vậy bánh mới đều và đẹp.
+ Không nên nặn to quá, bánh sẽ không được mềm dẻo và thấm vị ngọt.
Luộc bánh ngào
Sau khi nặn xong bánh, bạn bắc nồi nước lớn lên bếp nấu sôi, sau đó thả từng viên bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên 1 - 2 phút là đã chín.
Khi bánh nổi lên trên mặt nước vài phút là đã chín
Tranh thủ khi luộc bánh thì bạn cạo vỏ gừng, rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.
Thái gừng thành những sợi dài, nhỏ
Nấu bánh ngào với đường thốt nốt
Cho một chút nước vào nồi cùng với đường thốt nốt, nấu sôi nước để đường tan. Lượng nước này sẽ nấu nước dùng luôn nên bạn căn sao cho phù hợp với lượng bánh hiện có nhé! Khi đường tan hoàn toàn trong nước, bạn cho gừng thái sợi vào rồi vớt bánh ngào từ nồi bên kia sang, nấu với lửa nhỏ thêm 1 – 2 phút cho bánh thấm nước đường thì tắt bếp.
Lượng nước đường và lượng bánh phải hài hòa
Lưu ý khi nấu bánh: Nếu sử dụng mật, bạn cho mật mía vào nồi rồi đun đến khi sánh lại, sau đó cho bánh vào. Nếu không thích ăn ngọt quá, bạn có thể cho thêm chút nước cho vừa với khẩu vị, sau đó làm các bước tương tự như trên.
Trình bày và thưởng thức
Múc bánh và nước đường ra chén hoặc đĩa lòng sâu rồi ăn nóng.
Thành phẩm bánh ngào thật hấp dẫn phải không nào?
Nếu sử dụng mật mía thì bánh và nước dùng sẽ có màu đậm hơn
Yêu cầu thành phẩm
Chén bánh ngào có hình thức đẹp mắt, những chiếc bánh hình chiếc kén có màu vàng nhạt, nổi lên trên mặt nước trông rất ngon. Nước đường có màu nâu nhạt, trong suốt.
Bánh mịn dẻo, bùi bùi, hòa quyện với nước dùng có vị ngọt thanh thanh, thơm ngào ngạt mùi gừng rất hấp dẫn.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Bột nếp có nhiều loại khác nhau, bạn hãy chọn bột của loại gạo ngon có hương vị mình yêu thích
- Với cách làm bánh ngào, bạn có thể sử dụng mật mía hoặc đường thốt nốt. Nếu dùng mật mía, phần nước dùng sẽ có màu đen, bánh có màu vàng đậm, vị ngọt lịm đậm đà. Nếu sử dụng đường thốt nốt, nước dùng và bánh sẽ có màu nhạt hơn, đường thốt nốt có vị ngọt thanh và hương thơm nổi bật. Tùy vào sở thích và điều kiện thực tế, bạn có thể dùng mật hoặc đường thốt nốt đều được. Thông thường, người miền Bắc sẽ dùng mật, còn người miền Nam thì dùng đường thốt nốt.
Mật mía có dạng nước màu đen và vị ngọt lịm
Đường thốt nốt thường được làm dạng cục và có vị ngọt thanhMật mía được bán phổ biến tại các chợ hoặc cửa hàng kinh doanh mật, đường thốt nốt cũng vậy nhưng có mặt nhiều hơn ở các siêu thị trong cả nước.
Trong công thức này, Thucthan.com sử dụng đường thốt nốt. Với 135g bột thì có thể chuẩn bị khoảng 3 – 5 cục đường, tùy vào khẩu vị mà thêm bớt cho phù hợp.