Cách làm mắm tép chưng thịt thơm ngon đậm đà ngày đông lạnh
Mắm tép chưng thịt
Bài viết này được chia làm 3 phần:
- Phần 1: Các thông tin về mắm tép
- Phần 2: Cách làm mắm tép (dành cho những bạn chưa có mắm tép. Nếu đã làm hoặc đã mua được mắm tép, bạn hãy chuyển sang phần 3)
- Phần 3: Cách làm mắm tép chưng thịt
I. Các thông tin về mắm tép
Mắm tép chưng thịt là món ăn ngon, đậm đà hương vị quê hương. Đây là món ăn rất được lòng thực khách và được các bà nội trợ thường xuyên chế biến để dùng dần cho các bữa cơm gia đình.
Mắm tép chưng thịt rất dễ ăn, đưa cơm và thích hợp với mọi thời tiết, đặc biệt trong những ngày mưa hoặc trời se lạnh.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều nhãn hàng mắm tép chưng thịt được bày bán, tuy nhiên cách làm mắm tép chưng thịt lại không hề khó như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần chút tỉ mỉ, cẩn thận và thời gian, bạn hoàn toàn có thể tự tay chế biến ra lọ mắm tép thơm ngon, để chủ động hơn trong việc nấu món mắm tép chưng thịt đậm đà, tươi mới lại cực kỳ an toàn vệ sinh.
Những lọ mắm tép được bày bán trên thị trường
Mắm tép là gì?
Tép thuộc họ tôm nhưng bé hơn, thậm chí nhỏ hơn cả con tôm đồng. Tép có màu hồng nhạt hoặc màu trắng, mình trong và thường sống ở vùng nước ngọt như ao, sông, ven đồng lúa... Tép mềm, khá dễ ăn và mang lại cảm giác bùi bùi, đậm đà hương vị quê hương dân dã. Tép thường dùng để kho lẫn cùng tôm đồng, cá bống..., nấu canh khế chua, phơi sấy khô để rang (phui), làm mắm tép...
Mắm tép
Mắm tép được làm từ con tép nhỏ. Mắm tép là một thực phẩm được xếp vào hàng đặc sản của ẩm thực Việt. Món mắm tép có hương thơm dịu, vị đậm đà, khi ăn không gắt hay mặn giống như nước mắm nguyên chất, mắm tôm, mắm cá... Mắm tép có màu đỏ hồng tươi tắn, nước sánh quyện, càng ủ lâu thì càng lên men ngon và có vị hấp dẫn khó cưỡng.
Mắm tép thường được sử dụng như một loại nước chấm, ví dụ như dùng mắm tép để chấm rau, chấm thịt luộc. Hoặc mắm tép cũng có thể chế biến thành loại nước sốt để chấm rau sống, nước sốt để ướp cá nướng... Đơn giản nhất thì ăn mắm tép với cơm nguội. Phổ biến nhất thì mắm tép thường được các bà nội trợ dùng làm nguyên liệu chính để chế biến món mắm tép chưng thịt - đây là một món ăn cực kỳ đậm đà đưa cơm, thích hợp để ăn trong những ngày đông lạnh giá. Hơn hết, với cách làm mắm tép chưng thịt, mắm tép sẽ được dậy mùi một cách đúng vị nhất!
Lưu ý khi làm mắm tép
Cách làm mắm tép không khó nhưng yêu cầu độ khéo léo, tỉ mỉ cao. Làm thế nào để mắm tép có màu hồng đẹp, có mùi thơm, vị ngon mà không bị thối hay nhanh hỏng là điều mà các bà nội trợ khi chế biến loại thực phẩm này đặc biệt quan tâm. Bởi vì tự tay làm mắm tép luôn mang lại cảm giác yên tâm khi sử dụng vì đảm bảo được vấn đề sạch sẽ, an toàn thực phẩm.
Mùa tép ngon nhất là vào độ tháng 9-10, nhất là sau những cơn mưa rào, tép vào độ sinh sản, thịt tép ngọt, chắc và ăn rất ngậy.
Thực tế thì bây giờ khá khó để gặp mua được một mớ tép ngon. Chính vì vậy, khi tép vào mùa, các bà nội trợ thường mua nhiều và làm mắm tép để dùng dần.
Giữa những món cao lương mỹ vị, đôi khi được thưởng thức một món ăn mang đậm hương vị dân dã quê nhà được làm từ tép quả thật khiến cho tâm hồn người thực khách bỗng lắng lại và yên bình.
Thế mới biết, sự đơn sơ mộc mạc vẫn luôn được trân quý, dù cuộc sống có nhiều thay đổi.
Để làm mắm tép ngon, tất nhiên phải chọn được tép ngon và tươi. Thông thường, sau khi đánh cất, tép phải được bảo quản khá cầu kỳ mới giữ được độ tươi. Chuẩn bị một chiếc rổ phía dưới trải sẵn một lớp tro (gio) bếp rồi mới đổ tép lên trên, chờ cho tro hút hết nước rồi mới đổ tép sang một chiếc rổ khác. Tép không chịu được nắng nên phải để rổ tép chỗ bóng râm, mát mẻ, phủ ít lá tre hoặc lá xoan lên trên. Làm được như thế, tép có thể sống được nhiều tiếng đồng hồ sau khi đánh cất.
Tép tươi
Tép tươi vẫn có màu hồng nhạt, nguyên con, không bị nát. Tép sau khi mua về nhặt sạch những cặn bẩn, xóc chút muối hạt, rửa lại rồi để ráo nước. Cần rửa tép thật sạch thì mắm tép mới không bị hỏng. Và đặc biệt, tép phải thật sự ráo nước thì mắm tép mới giữ được lâu.
Một yếu tố quan trọng nữa giúp cho món mắm tép ngon, giữ được lâu là tỷ lệ gia vị trộn với nhau.
II. Cách làm mắm tép
Để làm mắm tép cần có nguyên liệu chính là tép, muối hạt và thính gạo. Một số nơi có thể còn trộn thêm những nguyên liệu khác như riềng, tỏi khô và ớt băm nhỏ, đường, 1 chút rượu trắng để mắm tép đầy đủ gia vị và thơm hơn. Tuy nhiên, để mắm tép ngon thì tỷ lệ giữa các nguyên liệu và gia vị phải thích hợp. Bởi nếu như quá nhiều muối, mắm tép sẽ bị mặn và gắt. Trong khi nếu cho ít muối, mắm tép bị nhạt, nhanh chua và dễ bị hỏng.
Bên cạnh đó, thính gạo phải được làm từ loại gạo ngon, rang lên vàng ươm, thơm ngát rồi giã thật nhuyễn.
Chính vì vậy, có thể làm mắm tép theo tỷ lệ sau 10 bát tép - 4 bát muối - 2 bát thính gạo. Cụ thể:
Nguyên liệu để làm mắm tép:
- 1kg tép tươi
- 1 túi muối hạt
- 5 lạng gạo ngon
- Rượu trắng
- Nước đun sôi để nguội
Các bước thực hiện
Tép đồng tươi
Bước 1
1kg tép khi mua về cần nhặt bỏ các chất cặn bẩn, xóc muối hạt và rửa lại thật sạch.
Tép ngâm cùng rượu trắng để được sạch và thơm
Bước 2
Chuẩn bị 1 chậu sạch, cho nước đun sôi để nguội vào, hòa với 1 chén rượu trắng. Sau đó thả tép vào, khuấy nhẹ tay sau đó vớt tép ra, dội lại bằng nước sạch rồi để chỗ thoáng mát cho ráo nước.
Bước 3
Trong lúc đợi tép ráo nước, rang gạo thơm vàng rồi giã nhuyễn để làm thính.
Rang gạo làm thính
Bước 4
Rửa sạch, lau khô cối giã. Phải đợi tép thật khô mới cho vào cối giã nhuyễn.
Bước 5
Rửa sạch, lau khô hũ đựng mắm tép. Cho 1 lớp tép vào rồi rải 1 lớp muối hạt lên trên, tiếp là 1 lớp thính gạo, sau đó lại 1 lớp tép, 1 lớp muối, 1 lớp thính gạo. Cứ làm như vậy đến khi hết nguyên liệu. Lưu ý cần đóng kín nắp hũ đựng mắm tép để không khí không lọt vào, mục đích giúp cho mắm tép nhanh lên ngấu và không bị hỏng.
Ủ mắm tép sau khi giã và trộn nguyên liệu
Mắm tép ủ phơi nắng to sau hơn 10 ngày là bắt đầu lên ngấu.
Mắm tép phải được ủ kín trong chum đất, để chỗ thoáng đãng hoặc phơi nắng thì sẽ nhanh lên men. Mắm tép ủ khoảng 1 tháng ăn sẽ rất ngon. Nếu như được phơi dưới nắng to thì chỉ sau khoảng 15 ngày, mắm tép đã lên men. Mắm tép lên ngấu có màu hồng đỏ tươi tắn, hương thơm dịu nhẹ, không hề gắt. Khi múc mắm tép, muôi hoặc thìa cần được lau sạch và khô, có như vậy mắm tép mới không bị hỏng. Thông thường mắm tép có thể để được 1 năm, tuy nhiên sau khi mở nắp thì nên sử dụng mắm tép trong vòng 5-6 tháng để mắm vẫn giữ được hương vị ngon nhất.
Mua mắm tép ở đâu ngon và an toàn?
Trong trường hợp không có cơ hội để tự tay chế biến mắm tép, bạn cũng có thể mua mắm tép ở ngoài.
Mắm tép là đặc sản, chính vì thế bạn hoàn toàn có thể mua mắm tép ở các cửa hàng, đại lý trên khắp cả nước. Thông thường, ở mỗi địa phương, mắm tép được chế biến theo cách riêng và có vị không hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên, có thể kể đến một số nhãn hàng mắm tép ngon, được nhiều người yêu thích và tin dùng như:
- Mắm tép Hàng Bè (Hà Nội)
- Mắm tép Trà Vinh
- Mắm tép Hà Tĩnh
- Mắm tép Nghệ An
- Mắm tép Gia Viễn (Ninh Bình)...
Giá mắm tép dao động từ 120k/l trở lên. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc trước khi mua mắm tép từ nguồn bên ngoài, cần chọn nơi uy tín để tránh mua phải mắm tép kém chất lượng
Tham khảo:
- https://vtc.vn/mam-tep-chung-san-cang-re-cang-dang-so-d82719.html
- http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/rung-minh-mam-tep-chung-thit-sieu-ban-c46a502380.html
III. Cách làm mắm tép chưng thịt lợn
Dù là mua hay tự làm thì đến bước này bạn đã có 1 lọ mắm tép chuẩn rồi. Phần này sẽ hướng dẫn bạn chưng mắm tép với thịt lợn để hoàn thành món ăn.
Nguyên liệu
- 5 lạng thịt lợn: Để làm món mắm tép chưng thịt ngon, không bị khô thì cần chọn thịt nạc vai, thịt ba chỉ hoặc mông. Sử dụng phần thịt có chút mỡ sẽ giúp món mắm tép chưng thịt mềm và ngậy hơn.
- 5 thìa mắm tép loại ngon: mắm tép ngon chính là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của món mắm tép chưng thịt. Bạn có thể mua mắm tép ở ngoài hàng hoặc tự tay chế biến mắm tép theo hướng dẫn đã chia sẻ ở trên.
- 3-4 củ hành khô
- 2 củ tỏi
- 2 nhánh sả
- 1 củ riềng già tới. Nếu chọn riềng quá già thì mắm tép chưng thịt sẽ bị xơ, nếu chọn riềng quá non thì lại khiến cho món ăn giảm đi vị bùi và thơm.
- 3 thìa đường
- Dầu ăn, mì chính, hạt tiêu hoặc ớt tươi băm nhỏ (nếu bạn muốn ăn cay)
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tỏi và hành khô bóc vỏ, băm nhỏ.
Riềng cạo bỏ hết phần đen rồi rửa sạch, băm nhỏ.
Sả bóc bỏ bẹ già bên ngoài, băm nhỏ.
Thịt lợn sau khi rửa sạch, xay nhỏ rồi đem ướp với 1 thìa dầu ăn, 1/2 thìa nước mắm, 1 thìa mì chính, 1/3 thìa đường, 1 chút hạt tiêu để ngấm gia vị.
Bước 2: Lên bếp & nấu
Bắc chảo, cho dầu ăn vào đun nóng già rồi cho hành băm vào phi trước, đảo đều rồi tiếp tục cho tỏi khô vào. Đảo đều tay đến khi hành và tỏi dậy mùi thơm, ngả sang màu vàng thì cho 1 phần sả riềng băm, ớt (nếu có) vào đảo cùng. Có thể cho thêm 1 vài giọt nước mắm ở công đoạn này để món ăn thơm hơn và có màu đẹp hơn.
Sau khi hành tỏi và sả riềng chuyển sang màu vàng ruộm, cho thịt lợn đã ướp vào, để lửa to vừa và đảo nhanh tay. Sau đó cho nốt phần sả riềng băm vào, thêm 2 thìa mắm tép, 1 thìa đường vào để đảo cùng.
Đảo đều tay để tất cả các nguyên liệu quyện đều vào nhau.
Sở dĩ không cho hết mắm tép và đường vì trong quá trình nấu, bạn có thể chủ động hoàn toàn trong việc nêm nếm gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị ăn của gia đình. Bên cạnh đó, khi chưng thịt với mắm tép, nếu thấy thịt khô, bạn cũng có thể cho thêm chút dầu ăn để món ăn không bị cháy.
Khi thịt chưng mắm tép ngả sang màu nâu óng ả, khô săn lại, có mùi thơm khó cưỡng, vị vừa ăn thì tắt bếp, cho mắm tép chưng thịt ra đĩa hoặc lọ thủy tinh để dùng dần. Lưu ý trong quá trình chưng thịt mắm tép, độ mặn nhạt của món ăn này hoàn toàn phụ thuộc vào mắm tép và đường, chứ không phải nước mắm hay mì chính như các món kho, rang khác.
Món mắm tép chưng thịt
Mắm tép chưng thịt đã hoàn thành chỉ sau vài bước đơn giản. Bạn có thể dùng mắm tép chưng thịt ăn kèm cơm, hay để chấm rau, thịt. Hương vị đậm đà của món ăn dân dã này chắc chắn sẽ chinh phục được bạn khi thưởng thức. Hãy lưu vào sổ tay nội trợ cách làm mắm tép chưng thịt để chiêu đãi cả nhà luôn thôi nào.