Cách làm củ kiệu ngâm tro trắng giòn ngon hết ý
Mục lục
Món củ kiệu ngâm tro
Củ kiệu là củ của cây kiệu – một loại cây thuộc họ hành, thân màu trắng, củ hình trái xoan, thường được dùng để muối dưa hoặc dùng lá ăn như một loại rau thơm. Củ kiệu muối là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt.Vị chua chua, ngọt dịu và giòn giòn của củ kiệu muối sẽ giúp bạn ăn ngon miệng hơn và giảm bớt sự chán ngán khi ăn cùng các món thịt cá, dầu mỡ. Không chỉ ăn ngon miệng, củ kiệu còn có tác dụng làm ấm bụng, chữa đầy hơi và điều hòa khí huyết, rất có lợi cho sức khỏe.
Nguyên liệu
- Củ kiệu: 1kg
- Đường cát trắng: ½ kg
- Muối hạt: 2 muỗng canh
- Giấm trắng
- Phèn chua
- Tỏi khô: 1 củ, lột sạch vỏ
- Tro bếp: 1 bát
Ngâm củ kiệu với nước tro
Củ kiệu mua về chưa cần sơ chế, bạn hòa tan tro bếp vào một thau nước (lượng nước vừa đủ để ngâm ngập kiệu) rồi thả kiệu vào ngâm qua đêm. Ngâm nước tro có tác dụng làm cho kiệu trắng hơn và đặc biệt là không còn mùi hăng. Nếu không có tro, bạn có thể ngâm củ kiệu với muối nhưng thời gian ngâm ngắn hơn để kiệu không bị ngấm mặn.
Củ kiệu được ngâm nước tro hoặc nước muối để khử mùi hăng
Sơ chế kiệu
Sau khi ngâm, bạn vớt kiệu ra ngoài, dùng dao nhỏ cắt bỏ phần rễ và phần đuôi, không cắt phần đầu phạm vào trong vì như thế kiệu sẽ bị thấm nước, mất đi độ giòn ngon đặc trưng.
Sơ chế kiệu sau khi ngâm nước tro
Ngâm kiệu với nước muối vài tiếng, nếu ngâm với nước đá lạnh thì kiệu sẽ giòn hơn. Sau đó, bạn vớt kiệu ra, xả lại với nước lạnh vài lần cho sạch.
Pha lượng phèn chua vừa đủ vào thau rồi cho kiệu vào, đem cả thau đi phơi nắng một ngày cho kiệu hơi héo. Sau khi phơi, sơ chế lại lần nữa bằng cách lột lớp vỏ kiệu héo bên ngoài, để lộ phần củ kiệu có màu trắng đẹp mắt.
Ngâm củ kiệu với nước phèn chua rồi bóc lớp vỏ ngoài
Ngâm kiệu (muối kiệu)
Bạn có thể ngâm kiệu theo hai cách dưới đây:
Cách 1.
Bạn cho đường vào trộn đều với kiệu, sau đó cho kiệu vào hũ, đậy kín và ngâm từ 7 – 14 ngày. Đây là cách muối kiệu tự nhiên, giúp kiệu chua, giòn và có màu trong, có thể để được lâu mà không sợ kiệu chua hay bị hóa rượu.
Sau 7 – 14 ngày ngâm, bạn vớt kiệu ra. Nấu giấm cho sôi rồi để nguội (lượng giấm vừa đủ để ngâm kiệu), cho kiệu đã ngâm đường vào ngâm với giấm để kiệu nhanh chua hơn, tăng hiệu quả chống ngán.
Lưu ý:
Khi ngâm đường 7 - 14 ngày kiệu đã được lên men tự nhiên và có thể thưởng thức, vì vậy bạn có thể không cần ngâm giấm cũng được.
Cách 2.
Bạn nấu hỗn hợp giấm – đường với tỉ lệ 1 chén giấm – 1 chén đường – 1/3 thìa cà phê muối. Nấu sôi cho đường và muối tan hết thì tắt bếp. Đợi cho hỗn hợp nguội hẳn, bạn cho hết củ kiệu vào hũ, đổ hỗn hợp ngập kiệu rồi đậy kín lại. Ngâm như vậy khoảng 2 tuần là có thể dùng được.
Lưu ý
Nếu muốn kiệu ngon hơn, bạn có thể nấu hỗn hợp giấm – đường như trên để thay hỗn hợp nước ngâm trong hũ sau khi ngâm 1 tuần. Để món kiệu muối có màu sắc đẹp mắt, bạn có thể thêm đu đủ, ớt, hành tím, cà rốt, tỏi bóc vỏ… vào ngâm cùng.
Muối kiệu trong hũ nhựa hoặc hũ thủy tinh đậy kín
Cùng với các món thịt, cá, sơn hào hải vị trong mâm cỗ Tết, củ kiệu muối với vị chua giòn đặc trưng sẽ giúp bạn có một bữa ăn ngon miệng và hài hòa hương vị.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Để làm món kiệu muối được ngon, bạn nên mua củ kiệu ta có thân nở, đuồi kiệu nhỏ và thắt eo ở giữa. Không nên mua những củ kiệu to, tròn và mọng nước, những củ này sau khi muối sẽ nhanh mềm, ăn không thơm và dễ bị hăng.