Cách làm bánh tôm Hồ Tây: Làm đơn giản, ngon ngất ngây

Với 2 nguyên liệu chính là tôm và khoai lang cùng 7 bước thực hiện đơn giản là bạn có thể học cách làm bánh tôm Hồ Tây, đặc sản Hà Nội. Nếu bạn đang muốn thưởng thức món bánh tôm này cùng bạn bè và người thân thì đừng bỏ qua hướng dẫn cách làm bánh tôm dưới đây nhé.
Bánh tôm Hồ Tây
Món bánh tôm hồ tây
Nếu không muốn ăn uống bên ngoài hoặc không có cơ hội đến Hà Nội, bạn có thể tự tay vào bếp để làm món bánh tôm cho gia đình thưởng thức, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần. Cách làm bánh tôm Hồ Tây thực sự rất đơn giản, nguyên liệu cũng không cầu kì, chỉ cần chút khéo léo thì ai cũng có thể làm được. Chưa hết, khi tự làm bánh tôm, bạn có thể tùy ý thay đổi lượng nguyên liệu để cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon nhất.

Video

Nguyên liệu

  • Tôm tươi: 500g
  • Khoai lang: 3 củ
  • Bột gạo: 50g
  • Bột mì: 100g
  • Trứng gà ta: 2 quả
  • Bột nghệ, hạt tiêu, giấm, dầu ăn
  • Hành khô, tỏi, ớt tươi
  • Dầu ăn: 500ml
  • Đu đủ ương: 2 miếng
  • Chanh: 1 quả
  • Rau sống ăn kèm: xà lách, tía tô, rau mùi, bạc hà…

Đánh trứng và pha bột

Đánh bông 2 quả trứng gà sau đó cho lượng bột mì và bột gạo đã chuẩn bị vào trộn đều. Cho thêm 2 bát con nước vào trộn cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Lúc này bạn cho thêm 1 muỗng bột nghệ và nửa thìa muối bột canh, trộn đều rồi lọc qua rây để hỗn hợp được mịn. Để bột nghỉ khoảng 20 phút. 

Lưu ý: Bạn đánh trứng càng bông thì món bánh tôm của bạn càng giòn, xốp. Lọc hỗn hợp qua rây để bột mịn và không dính cặn.

Trong thời gian để bột nghỉ bạn sẽ tiến hành sơ chế khoai lang.

Sơ chế khoai lang

Bạn pha sẵn một âu nước muối loãng. Khoai lang đem gọt vỏ, rửa sạch rồi dùng dao bào hoặc thái thành các sợi nhỏ. Bào đến đâu bạn cho khoai vào ngâm trong thau nước muối để khoai không bị thâm và cứng, khi chiên sẽ giòn hơn. Ngâm khoai trong nước muối khoảng 20 phút rồi rửa sạch, vớt ra để ráo.

sơ chế khoai lang
Ngâm khoai trong nước muối cho ra hết mủ và cứng lại

Trong lúc ngâm khoai thì bạn tranh thủ thời gian để chuẩn bị các nguyên liệu khác.

Rau sống rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi vớt ra, vẩy khô.

Sơ chế tôm

Tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu, bóc vỏ, rút chỉ tôm cho thật sạch. Nếu dùng tôm đồng thì để nguyên con cũng được.

sơ chế tôm
Tôm bỏ đầu, rút chỉ đen ở sống lưng rồi rửa sạch

Tiếp đó, rửa tôm lại cho sạch, để ráo nước rồi ướp với 1 thìa bột nêm, hành tỏi đã đập dập băm nhỏ. Trộn đều và ướp 10 phút.

Làm nước chấm dưa góp

Đu đủ ương gọt sạch vỏ, cạo sạch lớp màng mỏng phía bên trong, rửa sạch rồi thái thành những miếng mỏng vừa ăn. Ướp đu đủ với nửa thìa muối bột canh, 1 thìa giấm, 1 thìa đường rồi trộn đều cho ngấm. Sau đó bạn chuyển sang bước tiếp theo là chiên bánh tôm. Chiên bánh xong chúng ta sẽ quay lại pha nước chấm dưa góp.

Chiên bánh tôm

Lúc này khoai lang đã ngâm và rửa sạch, bột đã được nghỉ. Bạn cho khoai lang và bát bột rồi trộn đều.

Bắc chảo lên bếp, cho 1 lượng lớn dầu ăn vào đun cho dầu nóng già. Dùng muôi và đũa để múc bột khoai lang thành từng mẻ nhỏ cho vào chiên để tạo thành các miếng bánh vừa ăn. Gắp 1 hoặc 2 con tôm lên trên, để lửa nhỏ và chiên cho vàng đều 2 mặt là được. Bánh chín bạn gắp bánh ra đĩa lót giấy thấm dầu và tiến hành pha nước chấm dưa góp.

bột bánh tôm
Cho khoai lang vào trộn đều với bột

Lưu ý khi chiên bánh:

+ Khi chiên bánh bạn có thể thêm 1 hoặc 2 con tôm tùy ý, tuy nhiên phải đảm bảo bánh sẽ to và bao trọn tôm.

+ Nếu muốn làm bánh tôm giòn rụm từ trong ra ngoài, bạn nên làm bánh nhỏ với lượng khoai vừa phải. Chiên ở nhiệt độ vừa khoảng 170 – 190 độ C.

+ Nếu muốn bánh tôm giòn bên ngoài nhưng bên trong chín mềm, bạn hãy chiên ở nhiệt độ cao để bên ngoài bánh chín vàng và giòn nhanh hơn, khoảng 190 – 200 độ C.

+ Để bánh được giòn lâu bạn có thể chiên 2 lần: Lần 1 chiên bánh vừa chín tới rồi để nguội, khi nào ăn thì chiên lại để bánh vàng giòn.

Pha nước chấm dưa góp

Bạn sử dụng trên lưng bát tô nước đun sôi để nguội. Cho vào đó 2 thìa đường lớn, 1 thìa giấm trắng, 3 thìa nước mắm, vắt nửa quả chanh, ớt tươi băm nhỏ. Quấy đều cho đường tan rồi đổ bát đu đủ đã sơ chế bên trên vào là hoàn thành bát nước chấm dưa góp.

Trình bày và thưởng thức

Bạn xếp bánh tôm ra đĩa, bày biện cùng đĩa rau sống và chén nước chấm dưa góp rồi thưởng thức. Bánh tôm chiên xong nên ăn ngay, lúc đó bánh còn nóng, rất thơm và giòn, nếu để lâu bánh sẽ ỉu ăn không ngon. Nếu bánh nhỏ bạn có thể ăn trực tiếp, làm bánh to thì nên cắt nhỏ ra rồi ăn.

bánh tôm ngon
Bánh tôm ăn ngon khi còn nóng và giòn

Những chiếc bánh tôm nóng hổi, thơm phưng phức, màu vàng ruộm với những sợi khoai lang nhỏ nhắn, mới nhìn đã thấy hấp dẫn nhưng phải cho vào miệng mới cảm nhận trọn vẹn được cái vị giòn tan, thơm ngậy và béo béo, bùi bùi. Cắn một miếng bánh tôm, ăn kèm miếng rau sống chấm nước chấm chua chua ngọt ngọt thật là đã miệng vô cùng.

Chỉ với vài bước thực hiện đơn giản, chẳng tốn nhiều thời gian hay chi phí nguyên liệu, bạn đã có ngay món bánh tôm Hồ Tây để thưởng thức tại nhà. Bánh tôm Hồ Tây có thể làm món ăn vặt hay ăn thay cơm cũng được. Mỗi khi có dịp tụ tập bạn bè hoặc họp mặt gia đình, vào bếp làm mẻ bánh tôm giòn ngon, vừa ăn vừa tâm sự sẽ là gợi ý thú vị bạn không nên bỏ qua.

Yêu cầu thành phẩm

  • Những chiếc bánh nhỏ nhỏ xinh xinh màu vàng ruộm, hương thơm nức mũi.
  • Con tôm đỏ au nằm giữa bánh, không tách rời.
  • Khi ăn, bánh giòn và xốp, ruột khô không ướt, vị bùi bùi của khoai lang kết hợp với thịt tôm thơm ngọt, đậm đà rất hấp dẫn.
  • Nước chấm hài hòa, có đủ vị chua – cay – mặn – ngọt, dưa góp giòn ngon, vị chua dịu.
Huệ Anh -

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn