Cách làm cơm cháy chà bông tại nhà ngon giòn hấp dẫn
Mục lục
Món cơm cháy chà bông
Nguyên liệu
- Gạo nếp cái hoa vàng: 500g
- Hành tím: 2 củ
- Ớt sừng: 1 quả
- Tỏi: 2 tép
- Hành lá
- Chà bông (ruốc) heo
- Đường, nước mắm, hạt nêm, tương ớt ngọt, tương ớt thường, bột ớt (nếu thích ăn cay)
Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp rửa sạch, ngâm cùng 1 lít nước và 1 thìa cà phê muối khoảng 4-6 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó, đổ gạo nếp ra rổ, để khoảng 5 phút cho ráo nước rồi tiến hành đồ xôi.
Gạo nếp ngâm 4-6 tiếng hoặc qua đêm trước khi đồ xôi.
Băm nhuyễn phần tỏi, hành tím, cuống hành lá, ớt cho ra đĩa
Đồ chín và tạo khuôn phần xôi nếp
Dàn đều gạo nếp ra khay, hấp khoảng 25-30 phút, tới khi hạt xôi trong là được. Trong lúc chờ xôi chín, chuẩn bị sẵn một chiếc khuôn đã quét 1 lớp dầu ăn để tạo hình miếng cơm cháy (dùng luôn 1 chiếc nắp nhựa loại to cho tiện).
Đồ xôi
Sau khi đồ chín, hạt xôi trong, trắng ngần, hấp dẫn
Sử dụng nắp nhựa đã quét sẵn dầu ăn để làm khuôn
Xôi sau khi đồ chín, chờ bớt nóng rồi từ từ đặt xôi vào khuôn, dàn mỏng đều khoảng 0.8cm
Không nên nén xôi chặt quá để tạo khoảng trống, khi chiên sẽ phồng đều và giòn hơn
Phơi khô cơm nếp
Sau khi tạo khuôn, có hai cách để phơi khô phần cơm nếp:
Nếu dùng lò sấy thì đặt nhiệt độ 100°C, 2 lửa, không quạt trong khoảng 3-3.5 giờ. Sấy được 1.5 giờ thì đảo miếng cơm cháy sang mặt còn lại, tiếp tục sấy hết thời gian còn lại.
Sấy trong lò khoảng 3-3.5 tiếng
Nếu phơi nắng: chọn thời điểm nắng lúc trưa, tìm nơi nắng to nhưng vẫn có bóng mát, dịu và phơi miếng xôi khoảng 5 tiếng. Sau 2.5 tiếng đầu tiên thì đảo mặt miếng xôi rồi phơi tiếp mặt còn lại tới khi hết tổng thời gian. Không nên phơi trực tiếp dưới nắng gắt, miếng xôi bị cứng, khi chiên sẽ giảm độ giòn, xốp.
Phơi lúc nắng to nhất nhưng vẫn chọn vị trí có bóng râm, mát
Miếng cơm cháy đạt chuẩn là sau khi sấy hoặc phơi, cầm chắc tay, không mềm, hạt trong hoàn toàn.
Làm nước sốt và mỡ hành
Dùng 2 thìa canh dầu ăn, phi chín tới phần tỏi cho thơm cùng hành tím, cuống hành lá, ớt đã băm nhuyễn sau đó tắt bếp. Cho ớt sừng vào đảo đều tới khi mềm thì thêm 2 thìa đường, ½ thìa hạt nêm, 2 thìa nước mắm, 2 thìa tương ớt chua ngọt, ½ thìa tương ót thường, 1 thìa sốt mayonnaise, tiếp tục bật bếp nấu tới khi hỗn hợp sánh quyện, nêm nếm lại theo khẩu vị rồi tắt bếp. Tổng thời gian nấu sốt chỉ khoảng 2 phút và chỉ để lửa nhỏ.
Phần nước sốt hấp dẫn dùng để quét lên bề mặt miếng cơm cháy
Hành lá thái nhỏ, thêm ½ thìa hạt nêm rồi đổ 5 thìa dầu ăn đã đun nóng vào, đảo đều để hành lá ngấm dầu và chín
Xem thêm: Cách làm mỡ hành
Chiên cơm cháy
Cho nhiều dầu ăn vào nồi chiên loại dày, đun sôi khoảng 15p thì thả miếng cơm nếp khô vào. Khi miếng cơm nổi nên thì đảo mặt. Tiếp tục dùng vợt nhấn chìm - thả nổi miếng cơm, lặp lại khoảng 5 lần để giòn đều rồi vớt ra, đĩa lót sẵn giấy thấm dầu.
Chiên cơm cháy
Dùng dụng cụ quét đều hỗn hợp nước sốt lên bề mặt miếng cơm cháy rồi rưới mỡ hành và chà bông.
Yêu cầu thành phẩm
Miếng cơm cháy sau khi chiên xong, có hạt nở đều, giòn tan, thơm lừng vị gạo nếp, nước sốt thơm thơm, vị chua - cay - ngọt nhẹ vừa đủ, vị nồng nồng của ớt quyện cùng chà bông ngọt sâu vị thịt.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Có thể dùng loại gạo nếp khác thay gạo nếp cái hoa vàng, tuy nhiên, món ăn sẽ ngon và đẹp mắt hơn nếu dùng loại gạo này.
Hạt gạo nếp cái hoa vàng căng tròn mang lại vị ngon hoàn hảo cho món cơm cháy chà bông - Nên canh thời gian đồ xôi vào buổi sáng để có thể phơi cơm cháy đủ nắng và xong ngay trong ngày.
- Khi nấu nước sốt:
- Tạm tắt bếp lúc cho ớt để tránh mùi hăng, cay sộc lên mắt, mũi.
- Phần đường có thể tăng, giảm tùy theo khẩu vị gia đình.
- Nên sử dụng ớt sừng vì có màu đẹp và không quá cay.
- Nếu thích ăn cay có thể sử dụng thêm ít bột ớt.
- Khi đổ dầu vào bát hành lá, nên chờ dầu bớt nóng rồi mới đổ vào bát hành lá để giữ màu xanh của lá hành.
- Thử độ nóng của nồi dầu chiên cơm cháy bằng cách thả 1 hạt cơm khô vào, nếu nó nổi lên ngay lập nghĩa là nồi dầu đã đủ độ nóng.
- Miếng cơm khô sau khi phơi, để khoảng 30 phút rồi mới chiên sẽ cho màu đẹp hơn.
- Nên chọn chà bông loại ngon để món cơm cháy hoàn hảo hơn. Chà bông có màu tươi sáng, sờ thấy có độ mềm mại, không bị khô xác, ăn vào có vị ngọt đậm và sâu của thịt là đạt tiêu chuẩn.
Cách bảo quản
Muốn bảo quản được lâu thì sau khi làm xong, cho cơm cháy vào lò nướng khoảng 25-30 phút ở nhiệt độ 100°C để hỗn hợp sốt trên mặt khô, bám dính hơn. Khi cơm cháy nguội hẳn thì cho vào lọ để dùng dần.
Cách làm khác
Bên cạnh cơm cháy chà bông, bạn cũng có thể đổi vị với món cơm cháy kho quẹt, cơm cháy nước mắm, cơm cháy mỡ hành… Về cơ bản, cách làm cũng tương tự như trên, chỉ khác là thay vì nước sốt, chà bông thì sử dụng kho quẹt, nước mắm hoặc mỡ hành.
Cơm cháy mỡ hành nhìn qua đã thấy hấp dẫn
Đặc sản cơm cháy kho quẹt Cần Thơ ngon nức lòng người
Cơm cháy chiên nước mắm cũng mang lại vị ngon không kém