Cách nấu vịt nấu chao ngon nhất - chuẩn vị vịt nấu chao Cần Thơ
Mục lục
Món vịt nấu chao
Vịt nấu chao được xem là món đặc sản dân dã của người dân miền Tây sông nước, đó là sự kết hợp độc đáo của thịt vịt, khoai môn và chao, đem đến một món ăn có hương vị đặc biệt. Nồi vịt nấu chao nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, khi ăn cảm nhận ngay vị dai ngọt đậm đà của thịt vịt, vị thơm lạ, ngầy ngậy của chao và vị béo bùi của khoai môn rất hấp dẫn, ăn cùng cơm nóng hoặc bún tươi thì ngon tuyệt. Đối với những người chưa biết ăn chao, lần đầu thưởng thức món này sẽ thấy hơi khó ăn nhưng khi ăn lần 2, lần 3 thì sẽ nghiền.
Theo kinh nghiệp dân gian, vịt nấu chao là món ăn có sự hài hòa âm dương; theo đó, thịt vịt có tính hàn, kết hợp với các gia vị tính nóng như rượu, gừng, tỏi một cách hài hòa, không chỉ giúp món ăn thơm ngon hơn mà còn tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu
- Vịt: ½ con, khoảng 1kg
- Chao đỏ: 2 viên
- Chao trắng: 7 viên
- Khoai môn: 300g
- Hành khô: 3 củ
- Tỏi khô: 1,5 củ
- Gừng tươi: 1 củ
- Nước dừa: 1 trái
- Hành lá: 5 cây
- Rượu trắng: 3 thìa
- Bún tươi: 1kg
- Các loại rau sống ăn kèm
- Chanh tươi: 1 trái
- Các gia vị thường dùng: muối, nước mắm, đường, hạt tiêu, hạt nêm
Sơ chế nguyên liệu
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, chia thành 2 phần.
Thịt vịt sơ chế thật sạch, chặt miếng vừa ăn, bạn ướp vịt với rượu và ½ lượng gừng đập dập để khử mùi hôi của vịt. Thời gian ướp khoảng 15 phút, sau đó rửa lại với nước cho hết mùi rượu. Ngoài ra, bạn có thể khử mùi từ ban đầu bằng cách dùng rượu trắng hoặc rượu gừng chà xát lên mình con vịt, sau đó rửa lại với nước rồi chặt miếng vừa ăn. Nếu không thích mùi rượu, bạn có thể dùng chanh hoặc muối + giấm để thay thế.
Có nhiều cách để khử mùi hôi cho thịt vịt
Khoai môn gọt vỏ, rửa qua với nước cho sạch, cắt khoai thành những miếng vừa ăn dày khoảng 1,5 – 2cm. Ngâm khoai vào thau nước lạnh cho hết nhựa và không bị thâm đen. Ngâm khoảng 20 phút thì vớt ra để ráo.
Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ, chia thành 3 phần.
Hành khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, băm nhỏ.
Chanh bổ đôi, vắt lấy nước cốt, để riêng.
Xà lách và các loại rau sống ăn kèm bạn nhặt sạch, rửa với nước muối pha loãng rồi vớt ra, để ráo.
Chiên khoai môn
Khoai môn sau khi ngâm nước và để ráo, bạn bắc chảo lên bếp với lượng dầu vừa đủ, cho khoai vào chiên sơ rồi vớt ra, để ráo dầu. Làm như vậy sẽ giúp khoai cháy cạnh, khi nấu không bị nhừ và nát. Lưu ý:
+ Bạn chỉ cần chiên cho khoai cháy cạnh là được, không cần chiên chín.
+ Dùng một chút dầu để chiên là được, không cần nhiều.
Chỉ chiên khoai cháy cạnh là được, không cần chiên chín
Ướp thịt vịt
Thịt vịt sau khi sơ chế và khử mùi hôi, bạn ướp thịt với 2 viên chao đỏ, 2 viên chao trắng, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê hạt nêm, chút muối, 1 phần tỏi và toàn bộ hành khô băm nhỏ. Trộn đều hỗn hợp thịt rồi ướp trong khoảng 2 tiếng cho thấm gia vị.
Lưu ý, chao đã mặn sẵn nên khi ướp và nấu, bạn nêm nếm gia vị vừa đủ để tránh món ăn bị mặn.
Ướp thịt vịt trong khoảng 2 tiếng để vịt thấm chao và các loại gia vị
Pha nước chấm thịt vịt nấu chao
Cách làm vịt nấu chao ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm, đặc biệt nước chấm của món này cũng được làm từ chao. Bạn cho 5 miếng chao trắng, 2 thìa cà phê đường, 1 phần tỏi, chút ớt băm, gừng thái nhỏ, thêm nước cốt chanh rồi đánh đều lên tạo thành hỗn hợp chao sền sệt.
Hỗn hợp nước chấm thịt vịt được làm từ chao
Tiến hành nấu
Bắc chảo lên bếp với chút dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho 1 phần tỏi vào phi thơm vàng. Tiếp đó, trút hết thịt vịt vào chảo, xào khoảng 5 phút thì hạ lửa nhỏ và đun thêm khoảng 20 phút cho vịt chín, thịt săn lại và thấm gia vị đậm đà.
Xào thịt vịt để thịt săn lại và thấm gia vị đậm đà
Sau 20 phút, bạn đổ nước dừa vào nồi rồi thêm khoai môn chiên vào nấu, bật lửa lớn cho nước nhanh sôi. Khi nước sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn, hạ lửa nhỏ rồi đun khoảng 15 phút cho khoai môn chín. Dùng đũa kiểm tra, nếu thấy khoai chín nhừ thì tắt bếp, rắc chút hành lá lên trên là đã hoàn thành rồi!
Khoai môn nhanh chín nên cho vào nấu sau
Múc thịt vịt ra tô ăn với cơm hoặc bún. Ngoài ra, bạn có thể cho vịt nấu chao vào nồi lẩu, nhúng các loại rau sống và ăn kèm với bún hoặc mì. Khi ăn, chấm thịt vịt vào chén nước chấm rồi thưởng thức.
Cách nấu vịt nấu chao này có thể ăn như một món lẩu cùng bún và rau sống
Cách nấu vịt nấu chao độc đáo này không chỉ dùng cho các bữa ăn hằng ngày mà còn phù hợp để chiêu đãi bạn bè, khách khứa trong những dịp quan trọng. Thịt vịt được kết hợp với các loại gia vị đậm đà như chao trắng, chao đỏ, rượu, gừng tươi… không chỉ đem lại món ăn ngon, kích thích vị giác mà còn rất đẹp mắt.
Yêu cầu thành phẩm
- Thịt vịt chín mềm, thấm gia vị đậm đà.
- Hỗn hợp nước chao có vị vừa ăn, độ sánh đặc vừa phải, mùi chao thơm lừng.
- Khoai môn chín mềm nhưng không nát, vị bùi ngậy.
Thông tin thêm
Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu:
Cách chọn vịt nấu chao.
Vịt có nhiều giống khác nhau, để làm vịt nấu chao bạn nên chọn vịt xiêm hoặc vịt cỏ nhiều thịt, ít mỡ. Thịt vịt nuôi thường mềm và nhiều mỡ, không ngon bằng. Tốt nhất nên chọn vịt sống để đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon. Nếu mua vịt sống, bạn dùng tay đặt vào ức vịt, ức đầy, vịt khỏe mạnh, nhanh nhẹn là vịt khỏe, nên mua. Với vịt làm sẵn, hãy chọn những con da vàng, ức đầy.
Chỉ nên mua vịt ở các trại gia cầm uy tín hoặc mua vịt làm sẵn tại các siêu thị, hệ thống bán thực phẩm sạch để bảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cách chọn khoai môn ngon.
Nhiều người thường nhầm lẫn khoai môn với khoai sọ nhưng 2 loại khoai này khác nhau đấy nhé! Khoai môn là một trong những nguyên liệu của món vịt nấu chao, món ăn ngon hay không cũng phụ thuộc vào tài chọn khoai của bạn. Những củ khoai kích thước vừa, không quá to hoặc quá nhỏ là những củ ngon và nhiều bột. Nếu bổ ra thấy bên trong có màu trắng đục, nhiều vân tím là củ khoai ngon, nhiều dưỡng chất. Chọn những củ to tròn, vỏ nhẵn căng đều, cầm nặng tay, không nên chọn củ dím, củ hà sẽ làm món ăn có mùi khó chịu.
Khoai môn có vân tím ở trong là khoai ngon và nhiều dưỡng chất
Tìm hiểu về chao.
Chao là thực phẩm chế biến từ đậu hũ, được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Trung Hoa. Chao có vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng, có lớp mốc bên ngoài béo như phô mai nên được gọi là “phô mai châu Á”. Chao thường được dùng trong các món chay nhưng cũng rất thích hợp với các món mặn.
Chao được làm thành dạng viên nhỏ
Các món mặn dùng chao làm gia vị ướp để tăng hương vị món ăn, kích thích vị giác ăn ngon miệng, đồng thời cung cấp lượng protein và các chất dinh dưỡng nhiều hơn so với nước tương, nước mắm. Ngoài ra, chao còn có thể dùng để làm nước chấm cho một số món ăn. Với vị béo ngậy đặc trưng, chao là thực phẩm được người ăn chay lẫn người ăn mặn yêu thích.
Chao có hai loại khác nhau: chao trắng và chao đỏ. Chao trắng là chao có thêm hạt tiêu xay, chao đỏ là chao có thêm ớt. Tùy vào sở thích và nhu cầu sử dụng để chọn loại chao phù hợp.