Cách làm dầu dừa nguyên chất tại nhà bằng 2 phương pháp nóng và lạnh siêu chuẩn
Mục lục
Món dầu dừa
Dầu dừa là một loại dung dịch loãng được chiết xuất từ trái dừa tươi hoặc khô, chiết xuất thường như chúng ta đang làm được gọi là dầu dừa nguyên chất, sau đó người ta có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế biến để làm tinh dầu dừa.
Dầu dừa nguyên chất được xem là loại dầu thực vật có giá trị cao, đem lại nhiều lợi ích cho con người. Dầu dừa có thể dùng để chế biến món ăn, làm bánh kẹo, bôi vào vết côn trùng cắn, chữa cháy nắng, đánh bóng đồ gỗ…, trong đó nổi bật nhất là lợi ích về làm đẹp.
Cách làm dầu dừa nguyên chất khá đơn giản, bạn có thể làm tại nhà để sử dụng mà không cần đi mua. Tự làm sẽ đảm bảo nguyên chất 100%, nấu ăn cũng ngon mà làm đẹp cũng rất hiệu quả. Có nhiều cách làm dầu dừa khác nhau, trong đó phổ biến nhất là 2 cách làm nóng và lạnh. Hôm nay, Thucthan.com xin chia sẻ với các bạn 2 cách làm tại nhà như sau, tùy vào điều kiện cụ thể mà bạn có thể áp dụng cách làm phù hợp.
Nguyên liệu
- Dừa già: 2 trái, ước tính lấy được khoảng 1kg cơm dừa
- Nước ấm: 400ml
- Vợt lọc dừa, tốt nhất là nên dùng một chiếc khăn xô
- Dụng cụ nạo dừa
- Nồi đun có đáy rộng
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Nạo dừa
Dừa già mua về bổ lấy cơm, để cơm dừa càng khô càng tốt. Nếu không biết cách bổ dừa thì nên nhờ người bán làm hộ. Khi đã có cơm dừa, bạn gọt sạch hết phần vỏ đen trên cơm dừa, lau khô nếu cần thiết.
Dùng dụng cụ nạo để nạo dừa thành các sợi nhỏ rồi đổ tất cả vào một cái âu sạch.
Ngâm cơm dừa với nước ấm
Bạn nấu sôi khoảng 400ml nước rồi để nguội bớt, khi nước còn ấm thì đổ vào âu cơm dừa. Dùng tay trộn đều, vừa trộn vừa nhồi bóp để nước cốt dừa được chiết ra, lưu ý là phải rửa tay sạch sẽ trước khi bóp dừa.
Dùng tay nhồi bóp cơm dừa để nước cốt dừa tiết ra
Vắt nước cốt dừa
Dùng khăn xô vắt lấy nước cốt dừa vào một cái âu khác (hoặc tô lớn), vắt thật kiệt nước, mỗi lần chỉ nên vắt một ít để lấy được hết nước cốt dừa. Sau khi vắt được nước cốt, nếu thấy nước cốt vẫn còn bã dừa sót lại thì nên lọc qua rây thêm một lần nữa.
Dùng khăn xô để vắt nước cốt dừa
Nấu dầu dừa
Để nấu dầu dừa bằng phương pháp đun nóng thì bạn cần phải dùng một cái nồi đun có đáy rộng để giúp bốc hơi nhanh. Đổ hết phần nước cốt vừa vắt vào nồi, bật bếp đun với lửa lớn, khi nước cốt dừa sôi già, bạn khuấy đều tay rồi hạ lửa nhỏ để nước cốt dừa không bị cháy bén vào đáy nồi.
Khi nước đun cạn hết, bạn tiếp tục khuấy đều để dầu dừa chảy ra. Sau một lát bạn sẽ thấy lớp dầu dừa dần dần xuất hiện, tiếp tục đun lửa nhỏ cho đến khi dầu dừa sôi, lớp bã dừa chuyển sang màu vàng nâu và đứng dưới đáy nồi. Lúc này thì bạn đã có thành phẩm dầu dừa trong suốt và thơm lừng như mùi kẹo dừa.
Dầu dừa đang tiết ra và bã dừa đang dần khô lại
Khoảng thời gian xuất hiện lớp dầu có thể từ 1 – 2 tiếng, phụ thuộc vào việc bạn lấy nước cốt dừa có chuẩn hay không. Khi dầu dừa đã đạt độ trong veo như ý, bạn tắt bếp rồi dùng muôi thủng để gạn bỏ phần bã dừa bị cháy ra khỏi nồi, nếu không làm như vậy thì bã dừa có thể bị cháy khét (mặc dù đã tắt bếp nhưng nhiệt độ dầu còn rất nóng vẫn có thể gây cháy bã dừa, làm ảnh hưởng đến chất lượng dầu dừa).
Đợi cho dầu dừa nguội hẳn, lắng lớp bã dừa còn xót lại xuống đáy nồi thì lọc lấy phần dầu trong, cho vào hũ thủy tinh rồi đậy kín để dùng dần. Bước này thì bạn dùng rây lọc cho nhanh nhé!
Dùng rây lọc để lọc lấy phần dầu dừa trong nhất
Cho dầu dừa vào các hũ nhỏ để tiện sử dụng
Ưu, nhược điểm của phương pháp nóng
Ưu điểm: Dầu dừa được đun nóng nên đã diệt được nhiều vi khuẩn, giúp dầu không đổ mồ hôi và có thể kéo dài thời gian sử dụng (khoảng 2 năm) mà không cần dùng chất bảo quản.
Nhược điểm: Do đun lâu ở nhiệt độ cao nên dưỡng chất trong dầu dừa cũng bị hao hụt một phần nhỏ, không tiết kiệm được nhiên liệu.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Bạn mua 2 trái dừa về nạo hoặc mua loại dừa khô nạo sẵn bằng máy có bán ở chợ hoặc siêu thị. Để làm dầu dừa thì nhất định phải mua dừa già, nên chọn cơm dừa (cùi dừa) khô, cứng, trắng sạch vì loại này sẽ cho ra được nhiều dầu và dầu chất lượng cao. Nếu mua cơm dừa nạo sẵn thì nên đem về xay kỹ lại bằng máy xay sinh tố cho mịn để vắt được nhiều nước cốt.
Nhất định phải mua dừa già mới có có thể lấy được nhiều dầu và chất lượng dầu tốt - Dầu dừa nguyên chất được làm hoàn toàn từ cơm dừa, không sử dụng hương liệu hay hóa chất bảo quản. Trung bình, cứ khoảng 2 – 3 trái dừa thì lấy được 1kg cơm dừa, 1kg cơm dừa lại cho khoảng 100 – 150ml dầu dừa. Vì vậy, để có 1 lít dầu dừa nguyên chất thì bạn cần dùng đến 13 – 15 trái dừa già (khá nhiều).
Thông tin thêm
Cách 2: Cách làm dầu dừa lạnh
Nguyên liệu
- Dừa khô: 1 trái lớn tương đương khoảng 0,5kg cơm dừa
- Dụng cụ nạo dừa
- Máy xay sinh tố
- Vợt lọc dừa hoặc khăn xô
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
Các bước thực hiện
Bước 1. Xay dừa
Bổ dừa lấy phần cơm, để càng khô càng tốt, gọt hết phần vỏ đen bên ngoài. Nạo dừa thành lát mỏng rồi cho vào máy xay sinh tố với chút nước lạnh. Bật máy xay ở tốc độ trung bình rồi xay cho đến khi hỗn hợp dừa nhuyễn mịn.
Xay dừa nhuyễn mịn để vắt lấy nước cốt
Bước 2. Vắt nước cốt dừa
Đổ phần dừa vừa xay ra một cái tô lớn, lấy từng chút cho vào khăn xô rồi vắt lấy nước cốt dừa vào một cái tô khác. Làm lần lượt cho đến khi lấy được hết nước cốt dừa. Nếu nước cốt dừa vẫn còn cặn thì lọc qua rây lần nữa để lấy phần nước cốt tinh khiết nhất.
Bước 3. Cho nước cốt dừa vào hũ thủy tinh
Đổ nước cốt dừa vào các hũ tủy tinh có nắp đậy, để nơi khô thoáng trong khoảng 24 tiếng. Sau 24 tiếng bạn sẽ thấy trên mặt của nước cốt dừa đóng váng trắng, phần tinh dầu trong suốt lắng ở dưới.
Hoặc bạn có thể vắt trực tiếp nước nước cốt dừa vào hũ
Bước 4. Vớt lớp váng dừa
Bạn đem hũ thủy tinh vào trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 tiếng để lớp váng dừa bên trên đóng cứng lại, sau đó vớt hết lớp váng ra ngoài, phần còn lại chính là dầu dừa thu được bằng phương pháp ép lạnh.
Lớp váng dừa đóng lại bên trên, phía dưới là phần dầu dừa
Dầu dừa ép lạnh có màu trắng đục gần giống nước vo gạo
Ưu, nhược điểm của phương pháp lạnh
Ưu điểm: Làm dầu dừa bằng phương pháp lạnh, bạn không sử dụng nhiệt nên giữ được nguyên vẹn các dưỡng chất có trong dầu dừa. Cách này giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và công sức thực hiện.
Nhược điểm: Tinh dầu không tiết ra hết, thời gian bảo quản ngắn (chỉ trong vòng 1 tuần), thành phẩm không thơm và đẹp như khi làm bằng phương pháp nóng.
Trên đây là hướng dẫn 2 cách làm dầu dừa tại nhà, mỗi cách làm đều có ưu, nhược điểm riêng nên bạn hãy cân nhắc để lựa chọn cách làm phù hợp.
Nếu không muốn tốn nhiều thời gian, công sức thì hãy làm dầu dừa bằng phương pháp lạnh, nếu muốn làm dầu dừa để dùng quanh năm thì lại làm phương pháp đun nóng. Với những hũ dầu dừa nguyên chất sẵn trong nhà, bạn sẽ có một loại nguyên liệu độc đáo để chế biến món ăn, làm đẹp và sử dụng những khi cần thiết.
Chúc các bạn thực hiện thành công 2 cách làm dầu dừa này nhé!