Cách làm cốm dẹp trộn dừa dẻo thơm ăn hoài không chán
Mục lục
Món cốm dẹp
Cốm là món ăn được làm từ lúa nếp còn đóng sữa, rang chín rồi sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất phổ biến ở nhiều miền quê trồng lúa trên đất nước Việt Nam.
Nếu như ở miền Bắc có đặc sản cốm làng Vòng, Hà Nội tao nhã, thanh khiết thì miền Nam, cụ thể là miền Tây Nam Bộ cũng tự hào có món cốm dẹp Trà Vinh, cốm dẹp Sóc Trăng, cốm dẹp An Giang,… với cách chế biến phổ biến nhất là cốm dẹp trộn dừa thơm dẻo béo ngậy ngon nức tiếng.
Nguyên liệu
- Cốm dẹp : 1 gói (khoảng 250g)
- Nước cốt dừa: 1/2 lon
- Cùi dừa tươi nạo sợi: 300g
- Đường trắng: 4 thìa
- Muối: 1 nhúm nhỏ
- Lá dứa: 1 bó nhỏ (có thể không cần thiết)
Sơ chế cốm dẹp
Xả cốm dẹp với nước cho sạch bụi bẩn rồi cho vào rổ, để ráo nước.
Nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết mua cốm dẹp ở đâu. Cốm dẹp được đóng gói và bày bán rất nhiều tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hoặc bạn cũng có thể đặt mua trên các trang thương mại điện tử. Có hai loại là cốm dẹp xanh và cốm dẹp trắng, bạn mua loại nào cũng được.
Cốm dẹp xanh
Cốm dẹp trắng
Sơ chế lá dứa
Lá dứa dùng để nhuộm cho cốm có màu xanh đậm hơn cho hấp dẫn, hơn nữa lá dứa cũng khiến cốm có mùi thơm hơn. Nếu bạn không có lá dứa thì có thể bỏ qua bước này.
Nước cốt lá dứa
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc nhỏ, bỏ vào máy xay sinh tố cùng nước lọc vừa đủ để xay nhuyễn.
Đổ hỗn hợp lá dứa xay qua rây, lọc bỏ phần xác và hớt bọt để thu được dung dịch màu xanh tự nhiên (bạn có thể cho lá dứa vào cối giã nếu không có máy xay sinh tố).
Làm nước cốt dừa
Nước cốt dừa bạn có thể mua loại đóng lon sẵn cho tiết kiệm thời gian.
Đổ nước cốt dừa, một chút đường và một xíu muối vào nồi, pha thêm nước lọc (ít thôi), nấu sôi cho tất cả hòa tan hết vào với nhau, đổ thêm khoảng 2-3 thìa nước lá dứa cho nước cốt dừa có màu xanh rồi tắt bếp.
Muốn lát nữa cốm dẹp có màu xanh đậm hơn thì cho thêm vài thìa nước lá dứa nữa.
Đun nước cốt dừa, đường, muối và nước lá dứa
Nước cốt dừa đóng lon
Bạn cũng có thể tự làm nước cốt dừa tại nhà bằng cách sau:
Dùng 1-2 quả dừa già.
Nạo dừa thành sợi, cho sợi dừa vào máy xay sinh tố cùng nước từ quả dừa rồi xay nhuyễn.Đổ hỗn hợp vừa xay qua rây, lọc phần bã dừa đi và lấy nước cốt.
Như vậy là bạn đã làm xong nước cốt dừa để đem đi đun cùng muối, đường và nước lá dứa . Phần bã dừa không nên bỏ đi mà giữ lại để lát nữa trộn cốm ở bước cuối cùng.
Xay dừa làm nước cốt
Xem chi tiết cách làm nước cốt dừa tại đây.
Trộn nước cốt dừa và cốm dẹp
Cho cốm dẹp ra khay hoặc bát lớn, dùng thìa dàn đều, sao cho các hạt cốm tơi, không bị dính bết vào nhau.
Rưới từ từ từng thìa nước cốt dừa còn ấm vào cốm, trộn đều.
Để yên 10 phút cho cốm ngấm nước cốt dừa và nở ra.
Trộn đường và dừa nạo sợi
Sau khi cốm đã ngấm đẫm nước cốt dừa béo ngọt, bạn cho thêm đường trắng và dừa nạo sợi vào, trộn đều thêm một lần nữa.
Do món cốm dẹp có xuất xứ từ miền Tây Nam Bộ - khẩu vị người dân nơi đây ăn rất ngọt nên mới có bước cho thêm đường trắng. Bạn có thể bỏ qua đường nếu thấy món ăn đã đủ ngọt rồi.
Vậy là cách làm món cốm dẹp trộn dừa đã được hoàn thành.
Yêu cầu thành phẩm
Món cốm dẹp có màu xanh mướt đẹp mắt từ cốm tươi hòa quyện với màu trắng của dừa, hương vị thơm dẻo, bùi béo, ngọt ngào, hơi đậm đà một chút vị muối.
Thành phẩm cách làm cốm dẹp
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Khi sơ chế cốm, tránh ngâm rửa quá lâu làm cốm bị nhão, nát.
- Bạn có thể gia giảm lượng nước cốt dừa trộn với cốm cho vừa đủ, không nhiều quá khiến cho cốm nhão, bết dính, không ít quá khiến cốm khô, cứng.
- Sử dụng cốm dẹp tươi và cốm dẹp khô sẽ cần thời gian ngâm cốm khác nhau. Với cốm dẹp khô bạn cần ngâm lâu hơn để cốm mềm. Tốt nhất bạn nên kiểm tra liên tục trong quá trình ngâm để cốm đạt độ mềm như ý.
Cách thưởng thức
Theo cách ăn truyền thống, cốm dẹp sẽ được thưởng thức bằng cách dùng tay bốc một ít cốm rồi vo nắn lại thành viên tròn cho vào miệng để cảm nhận hết hương vị thơm dẻo béo bùi, ngòn ngọt mằn mặn của từng hạt cốm.
Thông tin thêm
Nguồn gốc của cốm dẹp
Đây là đặc sản của người Kmer, phổ biến ở các vùng An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng,… với tên gọi là “om –bóc” – nhằm dâng lên cúng các vị thần để tỏ lòng biết ơn đã ban cho bà con vụ mùa bội thu và nguyện cầu cho năm sau mùa màng tiếp tục tốt tươi.
Om-bóc (cốm dẹp) được làm loại nếp ngon mới gặt còn tươi non, to mẩy, đem rang trên chảo nóng cho thơm rồi đổ sang cối giã, tạo thành những cánh cốm mỏng, dẹp.
Cách sử dụng cốm dẹp trong ẩm thực
Ngoài món cốm dẹp trộn dừa, cốm dẹp còn có thể là nguyên liệu trong nhiều món ăn rất hấp dẫn như tôm chiên cốm dẹp, xôi cốm dẹp, bánh tét cốm dẹp,…
Xôi cốm dẹp