Cách làm cóc ngâm chua ngọt để được lâu với đường, muối ớt và nước mắm

Cùng tìm hiểu cách làm cóc ngâm chua ngọt với đường, muối ớt và nước mắm để được lâu bằng 3 bước thực hiện đơn giản dưới đây, sẽ là một món ăn được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bạn gái.
Cóc ngâm chua ngọt
Món cóc ngâm chua ngọt
Về cơ bản, cách làm cóc ngâm chua ngọt khá đơn giản, chỉ cần 20 - 30 phút là bạn đã có thể hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình làm, bạn cũng cần phải áp dụng thêm một vài mẹo nhỏ để có được những miếng cóc ngâm được giòn, đẹp mắt và hấp dẫn nhất.

Nguyên liệu

  • Cóc non: 600g
  • Đường nâu (hoặc đường cát trắng): 150g
  • Ớt tươi: 8 trái
  • Gia vị: nước mắm, muối, bột ớt…
  • Dụng cụ: hũ thủy tinh, dao, muỗng…

Sơ chế cóc

Cóc sau khi mua về, bạn rửa sơ qua với 2 lần nước để loại bỏ đất cát, bụi bẩn. Sau đó, bạn dùng dao gọt sạch lớp vỏ bên ngoài. Ở thao tác này, bạn chỉ cần gọt một lớp vỏ mỏng, không nên dày quá, thịt cóc vẫn còn màu xanh của vỏ vẫn được. Bởi lẽ, như thế sẽ giữ được vị chua và mùi thơm đặc trưng của quả cóc, khi ăn sẽ ngon miệng hơn.

Cóc sau khi gọt, để ngoài không khí sẽ rất dễ bị thâm đen như đối với táo. Do vậy, để khắc phục tình trạng này thì trước khi gọt vỏ cóc, bạn nên chuẩn bị trước một âu nước muối pha loãng (600ml nước sạch + 2 muỗng cà phê muối ăn).

Khi gọt sạch vỏ quả nào thì bạn cho ngay vào âu nước muối pha loãng quả đó. Như vậy, không những khắc phục được tình trạng thịt cóc bị thâm đen mà còn làm sạch nhựa hiệu quả và giúp cóc có vị hơi đậm, át bớt độ chua.

gọt vỏ quả cóc
Gọt sạch vỏ cóc

Sau khi gọt sạch vỏ, bạn tiến hành thái từng quả cóc thành những miếng vừa ăn. Đối với cóc bao tử, vì không có hạt nên bạn có thể bổ đôi theo chiều dọc rồi chia thành 2, 3, 4 phần tùy thích. Còn đối với cóc già, bạn tiến hành cắt múi với kích thước vừa phải và bỏ hạt bên trong đi.

Thái nhỏ được miếng nào thì bạn lại cho vào âu nước muối pha loãng miếng đó. Khi thái nhỏ hết sạch cóc thì bạn ngâm thêm chừng 15 – 20 phút nữa cho hết chất nhựa rồi mang rửa qua với 2 lần nước sạch. Kế tiếp, bạn mang chần qua với nước đun sôi để nguội, để khi ngâm cóc nhiều tiếng đồng hồ cũng không xuất hiện các váng bẩn. Cuối cùng, bạn vớt ra rổ để ráo nước.

thái quả cóc
Thái nhỏ cóc thành những miếng vừa ăn

Nấu nước ngâm chua ngọt

Bạn chuẩn bị một nồi nhỏ. Sau đó, cho 150 gram đường nâu và 300ml nước lọc vào rồi đun cho đến khi đường tan hết và hỗn hợp chuyển sang màu vàng cánh gián.

Ở bước này, bạn lưu ý là khi cho đường và nước vào, tuyệt đối không được dùng đũa khuấy đảo đường mà hãy để cho nhiệt độ làm đường tan chảy tự nhiên. Bởi lẽ, nếu khi khuấy đảo quá nhiều, nước ngâm sẽ xảy ra tình trạng bị lại (đường không tan được hết, khi nước ngâm nguội, sẽ xuất hiện một lớp đường trắng ở dưới đáy nồi) và màu lên cũng không được đậm và đẹp mắt.

Nếu nhà bạn không có đường nâu thì có thể sử dụng đường cát trắng để thay thế. Tuy nhiên, nấu nước ngâm bằng đường cát trắng sẽ không giống với khi sử dụng đường nâu ở trên. Cụ thể, bạn hãy cho 150 gram đường cát trắng vào nồi rồi đun với mức lửa nhỏ và khuấy đảo đũa đều tay để tránh tính trạng lớp đường dưới đáy nồi bị cháy.

Sau một thời gian, đường cát trắng sẽ bắt đầu vón cục và tiết ra một lượng nước màu vàng nhạt đẹp mắt. Lúc này, bạn mới đổ 300ml nước lọc vào và đun cho đến khi lớp đường ở dưới đáy tan hết ra, hỗn hợp chuyển sang màu vàng cánh gián đậm. Sở dĩ, chúng ta nấu nước ngâm bằng đường cát trắng không giống với khi sử dụng đường nâu, bởi lẽ nếu nấu như thế, đường cát trắng sẽ không tạo được màu đẹp mắt cho nước ngâm.

Khi đã đun tay chảy hết đường, bạn cho 1 muỗng cà phê nước mắm vào để tạo độ mặn và 10 gram ớt bột vào để tạo độ cay cho nước mắm. Sau đó, dùng đũa khuấy đều rồi tắt bếp và đợi nước ngâm nguội.

đun nước ngâm cóc
Cho ớt bột vào nước ngâm chua ngọt

Ngâm cóc

Bạn chuẩn bị một hũ thủy tinh hoặc nhựa có thể đựng được hết lượng cóc và nước ngâm. Sau đó, bạn cho cóc đã phơi ráo nước vào. Ớt tươi rửa sạch, thái khúc dày và cho vào luôn.

Bạn đợi nước ngâm thật nguội rồi đổ vào hũ đựng cóc. Lưu ý ở bước này bạn phải đợi nước ngâm nguội hoàn toàn mới sử dụng nhé. Nước còn nóng sẽ làm cho cóc bị chín, mất đị độ giòn ngon tự nhiên.

Bạn đậy kín nắp hũ đựng cóc lại rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Sau khoảng ít nhất 1 ngày, nước ngâm chua ngọt đã thấm sâu vào cóc thì bạn đã có thể đem ra thưởng thức.

món cóc ngâm chua ngọt
Ngâm cóc với nước mắm chua ngọt

Chúc các bạn thực hiện thành công cách làm cóc ngâm này nhé.

Yêu cầu thành phẩm

  • Từng lát cóc trắng xanh, không bị thâm đen, ngập trong nước ngâm có màu vàng bắt mắt, xen kẻ là sắc đỏ của ớt tươi, ớt bột nhìn rất bắt mắt và hấp dẫn.
  • Khi dùng, miếng cóc giòn rụm, ngấm đủ vị chua cay, mặn ngọt của nước ngâm.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

Nên chọn cóc như thế nào để ngâm ngon?

Cóc bao tử hay còn gọi là cóc non được xem là sự lựa chọn tuyệt nhất để làm món cóc ngâm chua ngọt. Bởi lẽ, cóc loại này không những giòn ngon mà còn không có hạt hoặc hạt rất nhỏ. Khi sơ chế sẽ rất dễ và khi ăn sẽ không sợ bị gai của hạt đâm vào miệng như cóc già.

Nếu đi chợ không có cóc bao tử thì bạn có thể chọn cóc già. Tuy nhiên, để đảm bảo độ ngon cho món ăn, bạn nên chọn những quả còn xanh, tươi, kích thước nhỏ. Không nên chọn những quả có vỏ màu vàng vì chúng đã chín, thịt mềm, làm cóc ngâm không được giòn ngon.

quả cóc
Cóc bao tử

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn