Cách ngâm sấu với đường giòn ngon và những mẹo hay cần lưu ý

Cách ngâm sấu đúng chuẩn khi bình sấu ngâm không bị nổi váng, sấu không bị quắt, có độ giòn, để được lâu, nước ngâm trong đặc và dậy mùi thơm.
Sấu ngâm đường
Món sấu ngâm đường
Bài viết này tổng hợp kinh nghiệm từ nhiều chị em đã trực tiếp làm sấu ngâm đường và đều có thành phẩm là những hũ sấu ngâm đạt chuẩn. Mời bạn tham khảo và áp dụng khi tự ngâm sấu tại nhà cho gia đình thưởng thức mỗi khi hè về.

Nguyên liệu

  • Sấu: 3kg
  • Đường phèn: 3kg
  • Gừng: 100g
  • Muối tinh
  • Bình thủy tinh

Nấu nước đường

Bạn sẽ tiến hành đi nấu nước đường trước rồi để cho nước nguội sau đó mới sơ chế sấu sau để tiết kiệm thời gian.

Gừng rửa thật sạch, có thể để cả vỏ, thái miếng to rồi đập dập.


Cho 3kg đường vào nồi cùng 1 lít nước lọc.

Bắc nồi lên bếp đun sôi, vừa đun vừa khuấy cho đường tan hết. Cho gừng vào cùng, nước đường sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp để nguội. Trong khi nấu nếu có bọt nổi lên thì cũng không cần hớt bỏ.

Sơ chế sấu

Pha 1 chậu nước muối loãng để bên cạnh.

Đem sấu ra cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm vào nước muối 30 phút đến 1 tiếng. Việc này giúp sấu đỡ bị chát cũng như tăng độ giòn. Đừng pha nước muối đặc quá, sấu ngấm muối sẽ bị mặn.

sấu ngâm nước muối loãng
Ngâm sấu với nước muối loãng

Vớt sấu ra rửa lại vài lần cho sạch rồi phơi khô dưới bóng dâm khi trời mắng. Mặt quả sấu hơi se se lại là được. Lúc này dùng dao khứa vài đường dọc hoặc hình xoắn ốc vào thịt sấu để khi ngâm sấu ngấm đường nhanh hơn.

Ngâm sấu

Bình thủy tinh rửa thật sạch, để khô hoàn toàn. Tốt nhất bạn nên đun sôi 1 nồi nước rồi úp bình vào nồi đun khoảng 5 phút để tiệt trùng rồi vớt ra lau khô.

món sấu ngâm đường
Cách ngâm sấu: Món sấu ngâm đường

Xếp sấu vào bình sau đó đổ nước đường đã đun vào cho ngập mặt sấu, đậy kín, bảo quản nơi thoáng mát sau khoảng 10 ngày là có thể sử dụng.

lọ sấu ngâm đường
Có thể ngâm sấu bằng bình nhựa nhưng nên ngâm bằng bình thủy tinh chuyên dụng sẽ kín và đẹp mắt hơn

Yêu cầu thành phẩm

  • Sấu không bị quắt, khi ăn có độ giòn chứ không bị dai mềm như bị ủng.
  • Bình sấu ngâm không bị nổi váng, nước ngâm trong, sánh đặc thơm mùi gừng.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Chọn sấu: Sấu cuối mùa thường là những quả sấu già, chắc. Loại sấu này ngâm là ngon nhất. Khi chọn sấu nên chọn những quả có độ già vừa phải, màu xanh thẫm, to tròn đều. Tuyệt đối không chọn sấu non hay sấu bị sâu hoặc dập nát.

    sấu già
    Sấu tươi

  • Việc sử dụng thêm gừng khi ngâm sấu sẽ tăng thêm mùi thơm cho nước sấu nhưng nếu muốn để lâu thì an toàn hơn cả là không dùng gừng và cũng không khứa mà để nguyên cả quả.
  • Tỷ lệ sấu và đường phù hợp là 1:1. Nghĩa là 1kg sấu nên sử dụng từ 800g đến 1kg đường là được.
  • Nấu nước đường rồi đem ngâm sấu là cách an toàn hơn cả để tránh hiện tượng nổi váng so với cách rải 1 lớp sấu với 1 lớp đường như cách ngâm truyền thống.
  • Lâu lâu bạn nhớ mở nắp bình ra cho các khí sinh ra bên trong thoát ra rồi lại đậy lại để bảo quản được lâu hơn.
  • Lý do tại sau sấu ngâm đường bị nổi váng:

    Nổi váng là 1 hiện tượng khoa học do vi khuẩn lên men lactic. Hiện tượng này thường xảy ra do những nguyên nhân sau: do sấu quá non, do bình ngâm và các nguyên liệu không được sơ chế kỹ và để khô (dính nước lã), do nước đường ngâm quá loãng, do bình ngâm để nơi ẩm ướt và bị hở... Tránh những sai lầm này chắc chắc món sấu ngâm đường của bạn sẽ không bị nổi váng.

  • Lý do sấu bị quắt và không được giòn:

    Sấu bị quắt và không giòn cũng thường là do bạn mua phải sấu còn non. Ngoài ra, để sấu giòn hơn thì nên ngâm nước muối loãng khoảng 1 tiếng rồi vắt ra phơi khô dưới bóng dâm khi trời nắng (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời). Một cách khác là luộc sấu trong nước sôi, khi thấy da sấu hơi ngả màu vàng vàng thì vớt ra ngay. Một mẹo khác mà chị em cũng thường chia sẻ là ngâm sấu với nước vôi trong (giống như làm mứt), việc này sẽ giúp sấu được cứng và giòn hơn nhưng cũng không quá cần thiết nếu như bạn đã làm tốt tất cả các bước như trong hướng dẫn cách ngâm sấu bên trên.

  • Về đường ngâm sấu, bạn có thể chọn bất kỳ loại đường nào mà mình thích. Mỗi loại đường sẽ tạo nên những hương vị riêng như: đường kính trắng, đường vàng, đường hoa mai, đường mật mía... nhưng nếu không thích vị ngọt gắt của đường thì nên chọn đường phèn. Đường phèn có vị ngọt dịu nên thường được chị em sử dụng để làm các món ngâm như: chanh đào ngâm mật ong, ngâm mơ, ngâm mận, ngâm chanh muối...

Cách thưởng thức

Ngâm sấu sau 10 ngày là có thể lấy ra sử dụng, sấu ngâm đúng cách có thể để được nửa năm thậm chí là cả năm. Mỗi khi muốn thưởng thức, pha nước và quả với nước lọc cho đủ độ ngọt, thêm đá lạnh và thưởng thức trong những ngày nắng nóng.

cốc nước sấu ngâm đường
Nước sấu ngâm đường

Quả sấu nói chung và nước sấu ngâm đường nói riêng có tác dụng trị nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng, trị nôn nghén cho phụ nữ có thai, giải rượu và chữa mụn nhọt lở ngứa... Chúc bạn thành công với cách ngâm sấu này!

Trâm Bi -

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn