Cách làm siro nho với công thức chuẩn, đơn giản tại nhà mà nhanh nhất

Ở bài trước, chúng ta đã biết cách làm siro dâu tằm. Hôm nay, chúng ta hãy cùng đến với cách làm siro nho cũng siêu ngon và siêu dễ làm, để bạn có thể thực hiện ngay tại nhà với công thức và các bước thực hiện như sau
Siro nho
Món siro nho

Nguyên liệu

  • Nho đen: 350g
  • Đường trắng: 300g
  • Nước chanh: 15ml
  • Muối: 2g
  • Rây lọc, hũ đựng

Sơ chế nguyên liệu

quả nho
Tách từng trái nho ra khỏi cuống và rửa cho thật sạch

Nho mua về đem rửa thật kỹ dưới vòi nước chảy rồi để ráo. Tiếp theo, bạn tách từng trái nho ra khỏi cuống, chú ý làm nhẹ tay để nho không bị dập. Trong quá trình tách nho, nếu trái nào bị hư hoặc dập nát, bạn hãy bỏ đi, đừng nên sử dụng.

Cho nho vào nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi đem xả lại với nước sôi để nguội và để ráo. Bước tiếp theo, dùng dao bổ dọc trái nho làm 4.

Luộc nho

luộc nho
Luộc nho

Cho nho đã sơ chế vào nồi rồi đổ 500ml nước vào cùng. Cho lên bếp đun lửa lớn cho sôi 4,5 phút. Hạ lửa nhỏ rồi đun thêm 10 phút thì tắt bếp.

Lọc bỏ bã nho

lọc bã nho
Lọc bỏ bã nho bằng rây lọc và chỉ giữ lại phần nước cốt nho

Lọc bã nho qua rây để thu được phần nước nho.

Nấu siro nho

nấu siro nho
Nấu siro nho

Cho nước nho thu được sau khi luộc vào nồi. Đổ đường, muối, nước cốt chanh đã chuẩn bị vào. Bật bếp đun với lửa lớn. Vừa đun vừa lắc cho đường tan hết (không khuấy). Khi nước sôi, đường cũng đã tan thì hạ lửa nhỏ ở mức thấp nhất và đun thêm 4,5 phút. Lúc này siro nho cũng đã sánh sặc lại. Tắt bếp, dùng muôi hớt lớp bọt bên trên nếu có rồi để nguội. Cho siro nho vào hũ thủy tinh, đậy kín để bảo quản.

món siro nho
Thành phẩm siro nho thu được

Yêu cầu thành phẩm

  • Siro nho đạt chuẩn khi có màu sắc đậm tự nhiên.
  • Siro không bị lại đường, trong thời gian sử dụng không có hiện tượng đường bị kết tinh lại đọng dưới đáy lọ.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Ngoài trình tự trong cách làm siro nho này, bạn cũng có thể cho đường vào ngay từ lúc luộc nho. Cũng lắc cho đường tan và đun khoảng 30 phút với lửa nhỏ để siro nho keo lại sau đó lọc qua rây để thu được thành phẩm.
  • Nếu khuấy để đường tan khi nấu siro sẽ dễ khiến bị lại đường (đường bị kết tinh lại).
  • Lượng nước bạn dùng khi luộc nho, độ to nhỏ của lửa, lượng đường cũng như thời gian sên ở bước cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến độ sánh đặc của siro. Bước cuối cùng là quan trọng nhất khi bạn sên nước nho với đường. Có 1 mẹo mà nếu bạn mới làm lần đầu nên thực hiện để kiểm tra độ sánh đặc đã phù hợp chưa, đó là: Múc 1 giọt siro đang nấu cho vào 1 cốc nước lọc. Nếu siro tan ngay trong nước là chưa được (vẫn còn loãng). Ngược lại, nếu siro tạo thành vệt dưới đáy cốc, chạm vào thấy mềm, dẻo, dính là được, lúc này tắt bếp ngay. Trường hợp khác, nếu siro nho đọng lại dưới đáy cốc, có thể vo thành viên là bạn đã đun quá lâu, khi nguội siro nho sẽ không ở dạng lỏng. Lúc này hãy cho thêm nước, đun và kiểm tra lại.
  • Nho có nhiều loại, mỗi loại khi làm siro sẽ cho ra thành phẩm có hương vị và màu sắc khác nhau. Bạn có thể chọn nho Ninh Thuận, nho Mỹ, nho thân gỗ hoặc bất cứ loại nho nào. Nên chọn nho chín, màu đậm để siro nho có màu sắc đẹp.

Cách thưởng thức

Nước soda siro nho

soda siro nho
Dùng siro nho để pha chế thành nước soda siro nho, uống giải khát rất ngon miệng

Siro nho ngon, ngọt và thơm hương nho đặc trưng. Bạn có thể dùng siro nho để pha chế thành các món nước giải khát hoặc dùng làm siro đá bào trái cây cũng rất ngon và lạ miệng. Với cách làm siro nho ngay tại nhà, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng vì không hề có phẩm màu hay chất bảo quản.

Để biết cách làm nhiều loại siro khác, bạn có thể tham khảo thêm cách làm siro dâu hoặc siro đá bào trên Thucthan.com.

Xem thêm

Đánh giá & Bình luận (0)

Đánh giá của bạn
Không thể ăn nổi

Gợi ý cho bạn